Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, trong quý II, tại TP. HCM giá bán sơ cấp thị trường căn hộ đã tăng từ 5-7% so với đầu năm, giá bán thứ cấp tăng từ 10-15% nhưng lượng giao dịch toàn thị trường đã giảm 18%.
Hàng loạt dự án cao cấp đua nhau ra hàng để tránh tháng ngâu
|
Đối với căn hộ có giá từ 2-4 tỷ đồng/căn thì sức tiêu thụ đã giảm đến 30% so với năm 2015. Không thể phủ nhận một thực tế là sức mua căn hộ thuộc phân khúc cao cấp đang chững lại, trong khi giá bán tăng hứa hẹn cuộc đua hút khách tại phân khúc cao cấp sẽ quyết liệt hơn bao giờ hết.
Điểm danh các “ông chủ lớn” tại TP. HCM đang kinh doanh các dự án căn hộ cao cấp bao gồm: VinGroup, Đại Quang Minh, Novaland, Hưng Thịnh, Phát Đạt, C.T Group, Him Lam… Đây là những cái tên sở hữu nhiều dự án khủng và thực tế mỗi khi các chủ đầu tư khác có ý định ra hàng đều phải “nhìn ngó” các đợt ra hàng lớn đó để tránh… húc đầu vào tường. Bởi lợi thế không thể phủ nhận là các đại gia như VinGroup, Đại Quang Minh, Novaland… đều được đánh giá là “rủng rỉnh tiền bạc” hoặc tìm được chỗ “chống lưng” như trường hợp Phát Đạt hợp tác với quỹ Creed Group (Nhật Bản) với tổng mức đầu tư dự án River City lên đến 500 triệu USD. Do đó, họ có điều kiện để “nghĩ lớn, làm lớn” mà không quá lo lắng về thanh khoản dự án trong ngắn hạn. Chẳng hạn như trường hợp của Phát Đạt, Creed Group đã cho chủ đầu tư này vay vốn với lãi suất không quá 5%/năm, mức lãi suất mơ ước của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Xung quanh việc nhiều “ông lớn” trên thị trường bất động sản TP. HCM công bố thâu tóm hàng chục, thậm chí đến vài chục dự án tại thời điểm này đang gây ra những tranh luận trái chiều. Một số cho rằng có mạnh thì mới thâu tóm được nhiều dự án, số khác lại cho rằng thâu tóm quá nhiều dự án thì vấn đề tài chính để triển khai là câu hỏi lớn, nếu cố quá dễ vượt tầm kiểm soát khi thị trường gặp những yếu tố bất lợi.
Trên thực tế, phóng viên Đầu tư Chứng khoán đã có nhiều cuộc trao đổi với các chủ đầu tư dự án cao cấp về tiến độ bán hàng và tài chính của dự án trong trường hợp không huy động được vốn từ khách hàng thì đa số đều nhận được câu trả lời rằng “vấn đề quá nhạy cảm, hẹn một dịp khác sẽ nói rõ hơn”!
Về vấn đề vốn cho các dự án, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhận định: “Thị trường bất động sản đang phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn vốn là tín dụng ngân hàng và huy động từ khách hàng. Mà nguồn vốn huy động từ khách hàng phần lớn cũng có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng”. Do đó, khi dòng vốn ngân hàng đang có chiều hướng siết lại, nếu các chủ đầu tư không biết liệu “cơm gắp mắm” thì dễ sa vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Ông Châu cũng cho biết thêm là trong năm 2015 nhà đầu tư thứ cấp đã trở lại đầu cơ các dự án cao cấp chiếm khoảng 15% thị phần. Như vậy, tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn chính đổ vào các dự án bất động sản dưới các hình thức khác nhau.
Cuộc đua trên thị trường bất động sản cao cấp sẽ quyết liệt hơn khi hàng loạt gương mặt mới xuất hiện trên thị trường như bầu Thụy - ông chủ Tập đoàn ThaiGroup, Tập đoàn Sơn Thuận... Xét về khối tài sản là bất động sản mà ThaiGroup sở hữu không hề nhỏ bao gồm: 3,5 ha đất vàng khách sạn Kim Liên (Hà Nội), 3.500 m2 đất tại trung tâm Hà Nội hợp tác với Tập đoàn Park Hyatt để xây khách sạn, đang hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng xa xỉ tại bãi Thơm (Phú Quốc) với quy mô 350 ha, chưa kể đến hàng loạt các dự án đang triển khai ở các tỉnh thành khác. Một điều nữa mà các ông lớn trên thị trường bất động sản phải “ngại” bầu Thụy là sau lưng ông này còn có cả tập đoàn xi măng Xuân Thành. Tập đoàn xi măng này vừa đầu tư thêm dây chuyền 2 với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Vì thế khả năng Bầu Thụy sẽ “khuấy động” thị trường bất động sản cao cấp là có thể nhìn thấy rõ.
Sơn Thuận là cái tên mới trên thị trường bất động sản nhưng với việc cất nóc rồi mới mở bán dự án The Southern Dragon (Quận Tân Phú) cho thấy tiềm lực tài chính của chủ đầu tư này. Dù lượng dự án tham gia trên thị trường bất động sản chưa nhiều nhưng với The Southern Dragon và Xi Grand Cout (quận 10) cho thấy chủ đầu tư này đã sẵn sàng vào thị trường bất động sản.
Một điều dễ nhận thấy là “gương mặt mới” trên thị trường đều có những khoản thu khổng lồ từ các ngành nghề kinh doanh khác nhau, có thể khiến người mua sẽ yên tâm hơn khi tiền từ các lĩnh vực khác có thể sẽ được đổ vào bất động sản. Tuy nhiên, nếu không có cách làm bài bản, thận trọng khi thị trường bất động sản cao cấp đã ấm lên từ hai năm nay, rất có thể những tay chơi mới này lâm vào tình thế “thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào”.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản