Nguồn cung căn hộ khá nhiều, giá cả giảm mạnh khiến cho cầu cũng bắt đầu được kích thích tăng lên. Tuy nhiên, để cung-cầu gặp nhau thì còn quá gian nan.
Thị trường đang xuất hiện các nhà đầu tư chấp nhập bán căn hộ của mình lỗ hơn giá gốc như ở dự án căn hộ BMC Hưng Long (Q.7, TP.HCM), một số căn hộ tại cao ốc Saphire (dự án Saigon Pearl, Q.Bình Thạnh)... thì phía người mua bắt đầu trả giá sát ván. Tình hình được thể hiện rất rõ qua một số người có nhu cầu mua nhà ở khu vực Q.4. Trong khi giá trung bình của các căn hộ chung cư, cao ốc mới ở Q.4 hiện đang dao động ở mức 20 - 28 triệu đồng/m2, có người mua đưa ra mức giá chỉ 16 - 17 triệu đồng/m2.
Tương tự, việc ra hàng ồ ạt tại dự án New Saigon (Q.7) với mức giá khoảng 18 triệu đồng/m2 cũng kích thích nhiều người có nhu cầu mua căn hộ tại khu vực này. Tuy nhiên, mức giá mà người mua đưa ra cũng chỉ là 16 - 17 triệu đồng/m2. Muốn bán được hàng, nhà đầu tư phải chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng/căn hộ.
Hàng loạt chung cư, cao ốc căn hộ tại Q.Tân Phú cũng đang được rao bán với mức giá khá rẻ, trung bình chỉ khoảng 9 - 12 triệu đồng/m2 tùy dự án. Nhưng có người lại muốn mua căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp, tollet chỉ với giá 500 triệu đồng. Với yêu cầu trên, ít nhất căn hộ phải có diện tích trên 60m2, nghĩa là mức giá người mua đưa ra chỉ khoảng hơn 8 triệu đồng/m2, còn cách mức giá đang được rao bán hiện nay từ 1 - 4 triệu đồng/m2...
Có thể thấy, ở khá nhiều dự án căn hộ đã và đang giảm giá, nguồn cầu bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, do nắm được tâm lý kẹt vốn và thị trường đang trong tình trạng ứ hàng nên người mua rất thoải mái đưa ra những yêu cầu về giá cả. Đó chính là lý do cung có, cầu có nhưng giao dịch thành công lại rất hiếm tại thời điểm này.
Có một thực tế mà người có nhu cầu thực sự về nhà ở phải cân nhắc để không bỏ lỡ cơ hội. Đó là việc không phải tất cả người bán đều kẹt vốn, vì không ít người dù có vốn nhưng thấy thị trường giảm mạnh, tâm lý bất an nên cũng muốn bán tống, bán tháo. Tâm lý đám đông không chỉ có trên thị trường chứng khoán mà ngay cả trên thị trường bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng với những người này, chấp nhận lỗ là điều rất khó. Họ chỉ có thể ra hàng với giá gốc để thu hồi vốn cho yên tâm mà thôi.
Phần đông những người bị kẹt vốn, chấp nhận lỗ một chút để ra hàng. Nhiều người tìm cách xoay xở để không bị lỗ quá nặng. Chưa kể đến việc một số dự án chậm tiến độ do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao cũng đang hỗ trợ thời gian tìm vốn cho không ít nhà đầu tư. Đó là nguyên nhân vì sao nguồn cầu có tăng lên nhưng giao dịch thành công lại không nhiều.
Những người có nhu cầu nhà ở thực sự, những nhà đầu tư thông minh phải tính toán kỹ bởi chắc chắn giá căn hộ sẽ không giảm mãi. Khi giá căn hộ đi xuống tới ngưỡng, sẽ đi ngang và cơ hội sở hữu căn hộ giá cả phù hợp sẽ tuột khỏi tầm tay nếu thị trường bùng lên trở lại.
Theo Thanh Niên