Cần gói tín dụng "chống sốc" thay gói 30 nghìn tỷ đồng

Cập nhật 31/03/2016 15:37

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Văn bản số 1953/NHNN-TD ngày 28/3/2016 do Phó thống đốc Nguyễn Hồng Tiến ký về việc dừng ký hợp đồng tín dụng mới chương trình cho vay gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng. Ngay sau khi phát hành vài giờ, tác động của văn bản này ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá là văn bản “khá sốc” với thị trường nhất là với các chủ đầu tư, các sàn tư vấn và hàng nghìn khách hàng đang chạy đua nước rút mua nhà vay vốn từ gói hỗ trợ này trước hạn 01/6/2016 theo kế hoạch cũ của Chương trình gói 30 nghìn tỷ đồng.


Tiếc cho khách hàng chậm chân

Theo ông Lê Hoàng Châu, gói 30 nghìn tỷ đồng là gói tài chính hữu hạn, phụ thuộc vào nguồn tái cấp vốn của NHNN. Khi nguồn vốn đã đạt kế hoạch thì việc dừng là đúng vì NHNN cũng là một thành viên của Chính phủ chịu sự điều hành chi phối của Chính phủ. Việc dừng cho vay gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ này là điều đã được biết trước chỉ là thời điểm nào mà thôi. Tuy nhiên, một văn bản cấp NHNN thường có hiệu lực trong thời gian nhất định, trong khi văn bản hoả tốc 1953 chỉ có hai ngày để thông báo tất nhiên mang tính chất đột ngột.

Ông Châu cho biết, ông cảm thấy tiếc cho những người chậm chân, trường hợp những khách hàng được ký hợp đồng mua nhà nhưng chưa được ký hợp đồng vay vốn. Bởi hầu hết đối tượng khách hàng này chỉ có 30% vốn còn 70% còn lại họ kỳ vọng vay được từ gói tín dụng này, bây giờ dừng ký hợp đồng mới đồng nghĩa với kỳ vọng tạo lập nhà ở của họ đã thất bại.

“Hiệp hội BĐS TP.HCM một lần nữa đề nghị NHNN nên nới thời gian kết thúc trong khoảng 15 ngày đến 1 tháng để tạo điều kiện cho người mua nhà tìm kiếm được nguồn vốn vì thông thường văn bản của cơ quan cấp Bộ có thời gian hiệu lực trong 1 tháng” - ông Châu kiến nghị.

Cần gói tín dụng “chống sốc” thay gói 30 nghìn đồng tỷ gấp

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch Cen Group cho biết, trong một hai tuần trở lại đây các sàn giao dịch và khách hàng ráo riết thực hiện thủ tục để vớt vát được hợp đồng nào hay hợp đồng đó. Đối với siêu thị dự án thuộc Cen Group, một số ngân hàng đã thông báo trước việc dừng ký hợp đồng vì hết hạn mức nên sàn cũng không quá bất ngờ và bây giờ chỉ có thể chờ đợi một gói tín dụng khác.

Ông Vũ Kim Giang -Tổng giám đốc Cty CP BĐS Hải Phát bày tỏ sự ảnh hưởng rất lớn đến chủ đầu tư xây dựng dự án NƠXH như Hải Phát. Bản thân chủ đầu tư làm NƠXH theo chủ trương của Nhà nước, đồng hành cùng Chính phủ vì mục đích an sinh xã hội, trước khi thực hiện đã nghiên cứu kỹ Nghị định 99 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tính toán gói hỗ trợ cho chủ đầu tư và khách hàng lãi suất ưu đãi. Bây giờ dừng đột ngột gói tín dụng này thì gần 1.000 hồ sơ đang làm thủ tục mua bán sẽ tắc ngay. Khách hàng mua NƠXH là những người có nhu cầu bức thiết nhất vì họ không có nhiều tiền khác hoàn toàn với khách hàng mua nhà ở thương mại.

“Chủ đầu tư dự án NƠXH cần có một chính sách chiến lược dài hơi. Để giải quyết sự tắc nghẽn cục bộ trước mắt cần có ngay gói tín dụng mới giải ngân nối tiếp luôn ngay sau khi gói 30 nghìn tỷ đồng kết thúc. Nếu phải chờ đợi trong 3 tháng hay 6 tháng thì chủ đầu tư cũng bị thiệt hại rất lớn và gây sự bức bách của người dân”.

Bà Vũ Thị Lan Anh - Phó tổng giám đốc Ceo Group chia sẻ, dự án NOXH Bamboo đang triển khai bán hàng nhưng việc dừng đột ngột gói 30.000 tỷ khiến người mua nhà và chủ đầu tư hoang mang. Hàng trăm khách hàng đang chờ ký hợp đồng mua bán nghe tin không được vay khiến họ không dám ký tiếp. Bản thân dự án hoàn toàn đủ điều kiện để khách hàng kịp vay gói ưu đãi trước ngày 01/6 khi dự án đã xây dựng xong, người mua nhà chỉ việc dọn vào ở. Chính sách tín dụng dừng đột ngột chặn mất cơ hội mua nhà của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Theo tôi, NHNN nên cho phép ký tiếp với NƠXH với những dự án đã hoàn thiện và đủ điều kiện tránh gây áp lực cho người mua nhà. Đặc biệt, chủ đầu tư đã đầu tư không nhỏ vào dự án NƠXH bỗng dưng không bán được hàng gây thiệt hại. Bản thân doanh nghiệp triển khai loại hình nhà ở này lợi nhuận ít và làm vì trách nhiệm cộng đồng. Nhà nước nên có chính sách tín dụng dài hơi cho NƠXH để người dân và chủ đầu tư không hoang mang.

Người dân bất lực chờ cơ hội mới

Là một trong số hàng nghìn người đang làm hồ sơ vay vốn hỗ trợ từ gói 30 nghìn tỷ, chị Nguyễn Thanh Tâm không thể giấu nỗi thất vọng nặng nề khi chị không thể tiếp cận được gói tín dụng này sớm hơn. Cùng cảnh ngộ trong cơ quan chị Thanh Tâm anh Vũ Chiến (Nam Định), anh Trương Luân (Hải Dương) cũng không kịp ký hợp đồng tín dụng khi mua nhà tại dự án Tứ Hiệp Plaza (Thanh Trì, Hà Nội).

“Tôi mong rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo Nhà nước về nhà ở và Thị trường BĐS cùng các bộ ngành cơ quan hiệp hội liên quan sớm có một chương trình cho vay hỗ trợ mua NƠXH lãi suất ưu đãi để “chống sốc” cho thị trường và tạo điều kiện cho chúng tôi cũng như rất nhiều người lao động khác có cơ hội được mua nhà để an cư lập nghiệp” - anh Chiến chia sẻ.

Hầu hết khách hàng mua nhà chỉ có 30% vốn còn 70% còn lại họ kỳ vọng vay được từ gói tín dụng này, bây giờ dừng ký hợp đồng mới đồng nghĩa với kỳ vọng tạo lập nhà ở của họ đã thất bại.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng