Cần đổi mới tư duy đền bù giá đất

Cập nhật 15/12/2008 10:18

Kể từ ngày Luật đất đai 1993 và 2003 có hiệu lực, vấn đề giá đền bù đất bị thu hồi luôn là điểm nóng. Trả lời các đại biểu Quốc hội và báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết: Trước đây Bộ Tài chính khi tính giá đền bù chỉ tính giá trị hữu hình, chưa tính giá trị vô hình như mất công ăn việc làm, mất văn hóa làng quê, mất bệnh viện gần...

Sắp tới sẽ tính cả giá trị vô hình, thường bằng 40-50% giá trị hữu hình. Với những ý kiến trên, bộ trưởng cho thấy: 1) Giá đền bù sẽ được nâng lên do tính thêm “giá trị vô hình”; 2) Cơ chế định giá đền bù hiện hành (do UBND các địa phương quy định) tiếp tục được thực hiện.

Sự cần thiết nâng giá đền bù là điều đã rõ. Những người bị thu hồi đất, chủ yếu là nông dân, là những người ủng hộ công nghiệp hóa và đô thị hóa, cũng tức là ủng hộ việc thu hồi đất của họ, bao lâu nay đã chịu quá nhiều thua thiệt, trong khi những nhà đầu tư nhận đất lại được quá nhiều lợi lộc. Tình trạng khiếu kiện, không chịu giải tỏa và giao đất phát sinh từ bất công đó, dẫn tới nhiều hậu quả kinh tế và xã hội.

Lý giải việc nâng giá đền bù, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường đã đưa ra khái niệm giá trị hữu hình và giá trị vô hình, tiếc rằng ông lại không cho biết phương pháp (hay công thức) áp dụng vào cuộc sống. Mà đấy mới là điều quan trọng để biến ý tưởng thành hiện thực. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tính đủ mà còn là cơ chế định giá đất. Nếu vẫn do UBND địa phương quyết định thì giá đó thực chất vẫn là giá áp đặt cả cho bên bị thu hồi (chủ yếu là nông dân), và cả cho bên được giao (nhà đầu tư).

Theo cơ chế này, người trực tiếp quyết định là các quan chức hành chính nhà nước, còn những người trực tiếp có quyền lợi liên quan, người được đền bù và người đền bù, đều đứng ngoài quá trình quyết định, dù không ưng cũng phải thi hành. Hệ quả tất yếu là hai tình huống (từng xảy ra): 1) Nhà nước phải cưỡng chế mới thực hiện được, quan hệ xã hội nhiều khi rất căng thẳng. 2) Nhà đầu tư và người bị thu hồi đất trực tiếp thương lượng với nhau sau lưng các quan chức về các khoản “hỗ trợ”. Xuất hiện hai giá: giá quy định và giá thực tế có cộng thêm các khoản “hỗ trợ”. Tình hình trở nên rối, khó kiểm soát.

Đất bị thu hồi đồng nghĩa với cuộc sống đảo lộn. Cho nên nội dung “đền bù” ngày nay là ổn định cuộc sống bị đảo lộn cho người mất đất. Song cần thấy rằng dù có đền bù đến mức như vậy vẫn chỉ là đền bù. Vấn đề còn là ở chỗ phải coi những người có đất bị thu hồi đã có những “hi sinh” cho công nghiệp hóa. Do đó họ phải có phần trong phân phối thành tựu của công nghiệp hóa, vì vậy giá đền bù đất ngày nay không còn chỉ là đền bù, mà phải lớn hơn. Hình như các nhà quản lý chưa mấy quan tâm đến điều này, mà đó chính là định hướng xã hội chủ nghĩa trong cuộc sống thực.

Cơ chế thu hồi và đền bù đất hiện hành chưa thể hiện đúng tinh thần hiến pháp. Nhiều người nghĩ rằng Nhà nước có quyền giao thì cũng có quyền thu hồi đất, không thấy rằng giao đất là nhiệm vụ hiến định của Nhà nước, còn được giao đất là quyền hiến định của dân. Theo hiến pháp, khi dân đã được giao đất, họ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng, cũng có nghĩa là họ có quyền không chuyển nhượng. Phải hiểu hiến pháp theo chiều sâu tư duy như vậy để thấy giới hạn quyền của Nhà nước.

Lâu nay chúng ta thường tuyệt đối hóa quyền của Nhà nước và coi nhẹ quyền của dân. Vì thế mới xảy ra xung đột lợi ích, mà lại không phải xung đột giữa Nhà nước với dân, mà là giữa những người bị thu hồi đất với các nhà đầu tư. Và Nhà nước, với tư cách cơ quan quản lý xã hội, bị động và vất vả chạy theo giải quyết những xung đột này, mà đến nay vẫn chưa ổn thỏa.

Cả một thời gian dài vất vả tìm kiếm biện pháp tháo gỡ vướng mắc, chúng ta dần thấy được hướng khả dĩ xử lý được vấn đề: đền bù theo giá thị trường. Tư duy đổi mới manh nha từ đó. Ý niệm này tuy sơ khai nhưng đã được ghi trong văn bản pháp quy như một căn cứ để chính quyền địa phương định giá đất. Song do ý niệm còn ở dạng sơ khai, nhận thức còn chưa đủ cụ thể và thống nhất, nên việc vận dụng còn rất hạn chế và chưa thể nhất quán. Giá đất do chính quyền địa phương quy định vẫn thấp hơn giá thị trường. Áp giá đó để thu hồi đất, dân không chịu. Để thoát khỏi tình trạng này, nhiều khoản gọi là “hỗ trợ” đã ra đời theo sự thỏa thuận giữa người giao và người nhận đất như đã nêu.

Theo thông tin báo chí, ở nhiều nơi những khoản hỗ trợ này lớn gấp ba, gấp bốn lần giá do UBND TP quy định. Đó chính là giá thị trường thực tế hình thành ngoài khuôn khổ văn bản pháp quy. Nó cho thấy đền bù theo giá thị trường là xu thế tất yếu, nếu chúng ta không chủ động vận dụng thì nó cũng tự phát hình thành. Cho nên trong sửa đổi pháp luật đất đai hiện nay, cần tiếp tục đi theo hướng đó để tìm ra những cách thức vận dụng cụ thể, mới có thể thật sự tháo gỡ được những vướng mắc lâu nay.

Trong kinh tế thị trường, thu hồi và đền bù đất thực chất là một cuộc mua bán. Mua bán mà áp đặt thì mâu thuẫn, xung đột khó tránh vì vi phạm nguyên tắc trao đổi ngang giá. Cho nên muốn tránh xung đột phải tuân theo nguyên tắc ngang giá. Nhưng trong quan hệ kinh tế, ngang giá không nên hiểu theo nghĩa số học (do đó cứ đi tìm cách tính), mà hiểu theo nghĩa quan hệ xã hội là tự nguyện thỏa thuận, tự coi đã được đền bù thỏa đáng.

Tất nhiên mỗi bên đều có tính toán riêng, lấy được bù mất, phù hợp với hoàn cảnh riêng có của mình, không cần tính tới giá trị hữu hình hay vô hình cho rối và thật ra cũng không thể tính được.

Tuy nhiên giá thị trường chỉ có thể áp dụng trong những trường hợp chuyển dịch đất giữa các nhóm dân cư. Nhưng trong thực tế lại có những chuyển dịch giữa Nhà nước với dân vì những lợi ích công cộng. Trong những trường hợp này phải sử dụng cơ chế trưng mua có tính bắt buộc, vì có bao hàm nghĩa vụ công dân.

Giá trưng mua tuy do Nhà nước quy định, không phải là giá thỏa thuận, nhưng cũng phải sát giá thị trường để bảo đảm cuộc sống bình thường của những người có đất bị thu hồi. Bảo đảm lợi ích công cộng nhưng phải tôn trọng lợi ích riêng.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần