Cần công bằng với DN bất động sản

Cập nhật 17/05/2016 09:03

Bắt đầu được “xới xáo” lại từ kiến nghị của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM trong cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN mới đây, quy định không cho phép DN bất động sản bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản đang khiến nhiều chủ đầu tư bức xúc.


Mà bức xúc cũng phải!

Bất động sản vốn là một trong những ngành kinh tế nền tảng của đất nước, có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế khác. Trong vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản đã có sức sống trở lại. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, như vừa trải qua một cơn bạo bệnh, thị trường dù có phục hồi nhưng “sức khỏe” còn yếu, cần tiếp tục được chăm sóc để phát triển khỏe mạnh hơn.

Nhưng đâu đó vẫn còn những quy định mà theo giới bất động sản, đã thể hiện sự phân biệt, đối xử bất công và có cái nhìn kỳ thị đối với bất động sản. Hoặc ít ra là vẫn nhìn địa ốc như một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, dễ làm giàu!

Như đã nói ở trên, một trong những sự bất công được giới kinh doanh địa ốc than phiền nhiều nhất gần đây là việc hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh.

Theo quy định hiện hành, hầu hết các ngành nghề đều được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN. Nhưng cơ chế này lại không được áp dụng đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bất động sản, vì theo quy định, kinh doanh bất động sản phải được hạch toán riêng. DN được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản bị thua lỗ, nhưng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ.

Theo các DN địa ốc, đây là kiểu tư duy “một ví tiền hai kiểu đánh thuế” khiến họ gặp khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi. Thực tế, không phải DN bất động sản nào cũng chỉ kinh doanh địa ốc đơn thuần, mà có khá nhiều đơn vị hoạt động đa ngành, từ ngành nghề bất động sản, đến các lĩnh vực liền quan như vật liệu xây dựng, nhà máy đá, sản xuất nguyên vật liệu, xây lắp... Đây là mô hình kinh doanh chia sẻ rủi ro, khép kín quy trình phát triển dự án được nhiều chủ đầu tư áp dụng để tối thiểu hóa chi phí.

Tất nhiên, trong quá trình kinh doanh, lĩnh vực này có lãi, lĩnh vực kia chịu lỗ là chuyện bình thường và DN chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Nhưng quan trọng là khi lời - lỗ, họ cần được tính toán trong “một ví tiền”, chứ không phải xé lẻ ra nhiều ví để đánh thuế riêng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho biết, hiện Lê Thành đang kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản và siêu thị. Nhưng lĩnh vực siêu thị của Công ty mấy năm nay lỗ liên tục do mới đưa vào hoạt động, chưa đủ sức cạnh tranh với các siêu thị lớn đã có thâm niên. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản của Công ty khá hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, nhưng cơ quan thuế không cho phép lấy lợi nhuận của bất động sản bù cho mảng siêu thị, dẫn đến lãi bất động sản vẫn phải đóng thuế từng đồng, còn lỗ của siêu thị thì “treo” ở đó.

Theo ông Nghĩa, đây là một sự bất công!

Tương tự, theo phân tích của đại diện một DN địa ốc đang niêm yết, công ty ông là một DN kinh doanh đa ngành, từ bất động sản, nông sản, đến đầu tư hạ tầng... Khi báo cáo trước ĐHCĐ, Ban điều hành thường báo cáo tổng thể lãi lỗ bù trừ giữa các ngành nghề, tổng hợp hoạt động các công ty con, chứ đâu thể báo cáo cổ đông là lãi bất động sản, phần khác lỗ nhưng không bù đắp được. Điều này cũng có thể đánh giá sai lệch hiệu quả quản trị, điều hành của DN. Hơn nữa, nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty là mua tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty đó, chứ đâu thể nào mua riêng một mảng kinh doanh nào, mà buộc DN phải hạch toán riêng một phần lãi.

Đại diện khối DN bất động sản khu vực phía Nam, ông Lê Hoàng Châu tha thiết đề xuất cơ quan quản lý bãi bỏ quy định bù trừ bất hợp lý này để phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2014, cho phép nhà đầu tư được quyền thực hiện bất kỳ hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề nào mà pháp luật không cấm, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản