Cần có nhạc trưởng cho “siêu đô thị” TPHCM

Cập nhật 13/01/2013 08:25

Quy hoạch vùng TPHCM đã được duyệt từ lâu. Theo đó, vùng TPHCM sẽ là một “siêu đô thị” khổng lồ. Thế nhưng các tỉnh thành trong vùng vẫn “mạnh ai nấy làm” theo quy hoạch của riêng mình…

“Siêu đô thị” không khả thi


Theo quy hoạch, vùng TPHCM sẽ có một đô thị hạt nhân (gồm TPHCM hiện tại và một số khu lân cận) và 5 cực phát triển với 5 vùng đô thị đối trọng phát triển về các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… Dự báo dân số vùng TPHCM đến năm 2020 sẽ là khoảng 20 - 22 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 16 - 17 triệu người.

Cũng theo quy hoạch trên, mỗi vùng đô thị trong “siêu đô thị” TPHCM đều phát triển kinh tế theo hướng đặc trưng. Tuy nhiên, tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề “Hướng phát triển siêu đô thị: cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư” vừa tổ chức ở TPHCM ngày 11/1, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thắc mắc là tại sao khi kêu gọi đầu tư, các tỉnh trong vùng TPHCM đều kêu gọi vào rất nhiều ngành, nội dung đều na ná như nhau, không có gì đặc trưng cho từng tỉnh…
 

Để phát triển vùng TPHCM thành 1 “siêu đô thị” cần 1 nhạc trưởng định hướng cho cả vùng


Một nhà đầu tư nước ngoài hỏi: “Tỉnh thành nào cũng mời gọi đầu tư vào công nghiệp, y tế, giáo dục, hạ tầng… Chúng tôi không biết ngành nào là thế mạnh của tỉnh, phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc để điều tra từng địa phương để xác định nơi đầu tư”.

Giải thích vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng: “Dù có quy hoạch vùng nhưng tỉnh thành nào cũng có quy hoạch phát triển riêng của mình, mỗi tỉnh đều đặt ra các chỉ tiêu để phấn đấu cho tỉnh mình nên kêu gọi đầu tư đại trà ở tất cả các ngành”.

Ông Lê Mạnh Hà cũng thừa nhận đây là 1 điểm yếu kém của vùng. Ông nói: “Người dân các tỉnh khác vẫn về TPHCM để học tập, làm việc, điều trị bệnh… Sự phát triển các cơ sở dịch vụ, hạ tầng ở TPHCM phải chạy theo nhu cầu của dân cư thành phố lẫn ngoại tỉnh. Trong khi đó, các tỉnh cũng có kế hoạch phát triển dựa trên thống kê dân số tỉnh mình. Điều này không thể tránh khỏi sự chồng chéo”.

Còn ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM thì nói thẳng: “Quy hoạch vùng này không khả thi, không có khả năng thực hiện!”. Theo ông thì cách làm của chúng ta có vấn đề, quá vội vàng. Ông nói: “Các tỉnh đều tiếp cận quy hoạch vùng với tâm lý là nó có làm ảnh hưởng gì đến hướng phát triển riêng của chúng ta không, không phải là quy hoạch mang lại cho chúng ta cái gì”.

Ông cho rằng: “Nếu chúng ta có cách tiếp nhận như trên thì cần xem xét lại quy hoạch. Tỉnh nào ra tỉnh dó, mọi tính toán của chúng ta bó gọn trong địa giới hành chính thì chúng ta quy hoạch vùng làm gì? Không phải chúng ta vẽ ra cho nó đẹp!”.

Cần có 1 nhạc trưởng

Tại diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng đều thừa nhận mối liên kết giữa TPHCM với các tỉnh thành lân cận là rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các tỉnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Sự liên kết hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc chính quyền ký kết hợp tác với nhau. Như vậy chưa đủ, cốt lõi là sự liên kết của các doanh nghiệp, chính quyền liên kết chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết, sự hùng mạnh của doanh nghiệp mới giúp kinh tế vùng phát triển”.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Cần có sự phân công thống nhất, thông suốt để xây dựng, chỉ đạo định hướng phát triển cho cả vùng”. Các đại biểu khác tham gia diễn đàn cũng đều đồng tình với ý kiến cần có nhạc trưởng điều hành phát triển “siêu đô thị” TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Yên nói cụ thể hơn: “Chúng ta có quy hoạch vùng nhưng không có cơ quan điều phối, chỉ đạo, chủ yếu dựa vào nguồn lực của địa phương, có đến đâu làm đến đó. Nên có ban điều phối, phân định rõ là những gì trung ương đầu tư, địa phương đầu tư, nguồn lực triển khai liên kết vùng…”.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà đặt vấn đề: “Quy hoạch chẳng qua là mong muốn của chính quyền, cái chính là chúng ta thực hiện quy hoạch như thế nào. Và muốn thực hiện quy hoạch thì điều kiện quan trọng là phải có tài chính. Chúng ta không có cấp hành chính cấp vùng, mà không có cấp hành chính thì không thể phân bổ ngân sách. Không có ngân sách thì làm sao có thể thực hiện quy hoạch? Đây là bài toán rất khó giải!”.

Về điều này, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch hội Doanh nhân Việt kiều cho là ban đầu chỉ cần 1 hội đồng gồm các nhà quản lý, doanh nghiệp ngồi lại với nhau để bàn hướng phát triển của vùng, tạo thành nhận thức chung để các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo định hướng đó để đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế theo định hướng chung. Hội đồng sẽ có 1 ban thư ký thường trực để tập hợp ý kiến của các giai tầng, xử lý các công việc cụ thể…

Ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng: “Chúng ta có thể ngồi lại với nhau bàn các giải pháp để phát triển. Đừng cứng ngắt nghĩ đó là 1 cấp hành chính”.

Ông Nguyễn Trọng Hòa đồng tình: “Đừng quy hoạch hành chính hóa mà chúng ta nên có hội đồng vùng trên tinh thần tự nguyện, vì quyền lợi của chúng ta mà tham gia và đóng góp ý kiến”.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí