Nhu cầu bức bách về nhà ở xã hội là lớn, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp địa ốc không mấy “mặn mà” với phân khúc này. Tại sao?
Một dự án NƠXH tại TP.HCM do HQC đầu tư.
|
Doanh nghiệp bỏ lơ
TP.HCM hiện có khoảng 13 triệu người; trong đó có 3 triệu lao động nhập cư, với hơn 200.000 cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang với mức thu nhập trung bình, thấp. Do đó nhu cầu bức bách về nhà ở xã hội (NƠXH) là lớn, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp địa ốc không mấy “mặn mà” với phân khúc này, phần lớn các dự án NƠXH đang triển khai chủ yếu là từ những năm trước.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, những dự án NƠXH hiện tại ở TP.HCM chủ yếu đến từ những dự án bất động sản giai đoạn năm 2009-2014 bị đóng băng và các chủ đầu tư xin thay đổi quy hoạch các dự án thương mại sang NƠXH và đến nay, các dự án đó mới được triển khai xây dựng.
Tại buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội - Thực trạng, dự báo và giải pháp” mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án NƠXH, tổng diện tích đất hơn 150 ha với 48.587 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010, có 2 dự án NƠXH đã hoàn thành, với quy mô 118 căn, diện tích xây dựng sàn 10.090 m2, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, chủ yếu phục vụ cán bộ, công nhân viên chức thành phố. Tính đến năm 2015, thành phố hoàn thành 12 dự án NƠXH với quy mô 3.886 căn hộ, trong đó có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố với 568 căn hộ và 6 dự án là vốn ngoài ngân sách với quy mô 3.318 căn.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết kết quả này còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhu cầu nhà ở của những người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai 39 dự án với tổng diện tích đất hơn 140 ha với quy mô 44.701 căn hộ.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HQC), nhiều doanh nghiệp hiện nay không mặn mà đầu tư vào NƠXH. Lý do, thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án và xây dựng NƠXH tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư, trong khi lợi nhuận lại bị khống chế ở mức 10%.
Một nguyên nhân khác là hiện nay quỹ đất dành cho NƠXH quá ít. Sự thiếu hụt này có thể là do công tác quy hoạch, địa phương chưa chủ động định rõ những khu đất dành riêng cho NƠXH.
Cần nhiều chính sách mới
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà nên mở rộng đối tượng được mua NƠXH, cần sớm có các gói hỗ trợ tín dụng, cho phép nhiều ngân hàng được cho vay vốn xây dựng NƠXH.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thừa nhận bên cạnh nguyên tắc về thủ tục hành chính thì hiện nhiều dự án NƠXH gặp khó khăn vì vướng đền bù giải tỏa, doanh nghiệp không huy động được vốn khiến dự án bị đình trệ nhiều năm.
“Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lãi suất vay mua NƠXH từ 3-3,5%, thời hạn cho vay tối thiểu là 20 năm, ân hạn từ 6 tháng đến 3 năm mà người vay chưa trả lãi vay. Cho phép các doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô 10 ha trở lên được đề xuất một trong ba phương án: Xây dựng NƠXH tại dự án, hoán đổi quỹ đất hoặc NƠXH có giá trị tương đương tại một vị trí khác, thanh toán bằng tiền tùy điều kiện cụ thể của từng dự án. Ngoài ra, các dự án áp dụng thiết kế mẫu sẽ được miễn các thủ tục xin ý kiến thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công, cấp giấy phép xây dựng” - ông Tuấn cho biết thêm.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về NƠXH, nhà ở cho công nhân (NƠCCN) vừa diễn ra ngày 7/12/2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, phát triển NƠXH là trách nhiệm của Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng hoan nghênh các chủ đầu tư tham gia đầu tư, xây dựng các dự án NƠXH, NƠCCN: “Chính phủ rất trân trọng và khuyến khích các đơn vị có trách nhiệm cộng đồng, gương mẫu, làm không vì lợi nhuận, xây nhà giá thấp nhưng chất lượng không được thấp”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giao Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối tham mưu, nghiên cứu hoàn thiện đề xuất ban hành văn bản pháp luật cụ thể về cơ chế chính sách, bảo đảm quy trình thủ tục thuận lợi. Đồng thời, giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các gói nguồn lực về thuế, hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư và người mua NƠXH, NƠCCN. Các địa phương phải xem chương trình NƠXH, NƠCCN là nhiệm vụ trọng tâm, đưa vào chương trình hành động và ngân sách triển khai.
Trong bối cảnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức kết thúc vào ngày 31/12/2016, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về NƠXH, NƠCCN vừa qua đã mang đến những tín hiệu tích cực và mở ra phương hướng phát triển ổn định, lâu dài và liên tục cho phân khúc NƠXH, NƠCCN trên quy mô toàn quốc trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa tin