Việc Chính phủ đồng ý sử dụng xi măng làm đường giao thông được coi là giải pháp quan trọng để kích cầu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Tiến sĩ Hoàng Hà - Q.Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) trao đổi xung quanh nội dung trên.
* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng đường bê tông xi măng (BTXM) có nhiều ưu điểm hơn đường nhựa thông thường?
- Đúng vậy, đây là vấn đề được Bộ GTVT khảo sát, nghiên cứu từ lâu. Để góp phần thực hiện các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ, đầu năm 2009, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã có buổi họp để đánh giá về ưu nhược điểm của mặt đường BTXM đã và đang được xây dựng từ trước đến nay ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới. Chúng tôi cũng đã bàn đến hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật hiện có, công nghệ, thiết bị thi công và chi phí xây dựng, phạm vi áp dụng các loại đường này.
Ông Hoàng Hà.
Ưu điểm của loại đường này là tuổi thọ cao (trung bình khoảng 30-50 năm), chịu được trọng tải xe nặng, lưu lượng xe lớn. Tại những vùng chế độ thuỷ nhiệt phức tạp, thường xuyên ẩm ướt loại mặt đường BTXM thích hợp hơn mặt đường nhựa. Đường BTXM có khả năng chống bào mòn tốt, hệ số bám giữa bánh xe và mặt đường cao, an toàn cho xe chạy. Khi thi công không chỉ cơ giới hoá toàn bộ từ khâu trộn, vận chuyển, rải đầm, dễ kiểm soát chất lượng mà hoàn toàn có thể sử dụng vật liệu trong nước, thân thiện với môi trường. Việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên đơn giản.
*
Vậy theo ông, làm đường BTXM cần quan tâm đến vấn đề gì?
- Mặt đường BTXM là loại mặt đường cứng, vật liệu chủ yếu của kết cấu mặt đường BTXM đòi hỏi chất lượng cao. Nếu dùng xi măng không đảm bảo chất lượng, cường độ chịu kéo uốn thấp sẽ dễ bị nứt gẫy. Do có các khe nối nên nếu thi công chất lượng không tốt sẽ kém êm thuận. Vì vậy, thi công đường BTXM đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật thi công cao, đầu tư thiết bị ban đầu lớn. Nếu thi công cơ giới còn phải bố trí liên kết bằng các thanh truyền lực. Một khó khăn nữa khi thi công mặt đường BTXM là không thể thông xe ngay sau khi thi công do đổ bê tông tại chỗ.
Việc chọn vị trí, địa hình, chế độ thuỷ nhiệt, thời tiết, nguồn cung cấp vật tư, trình độ và trang thiết bị thi công...để xây dựng đường BTXM cho phù hợp rất quan trọng. Ngoài ra, việc lựa chọn công nghệ, phân tích kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế, kỹ thuật để đạt hiệu quả cao trong khi sử dụng xi măng làm đường cũng rất cần thiết. Những vị trí đường ôtô có độ dốc lớn, sương mù, ẩm ướt quanh năm, đoạn đường nập lụt, đường tuần tra biên giới, đường cao tốc, trạm thu phí đường bộ... ở nơi có điều kiện địa chất ổn định có khả năng áp dụng có hiệu quả dạng kết cấu mặt đường này.
*
Và phải có chính sách ưu đãi cho loại đường này?
- Để sớm triển khai chủ trương này, các Bộ GTVT, Xây dựng, Tài chính cần hoàn thiện hệ thống định mức đơn giá phù hợp thực tế và đưa ra suất đầu tư để các nhà đầu tư lựa chọn, trong đó bao gồm giá vật liệu, nhân công, công nghệ cùng thiết bị máy móc. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi vốn vay để đổi mới trang thiết bị phù hợp với xây dựng mặt đường BTXM hiện đại, có chính sách hỗ trợ cho các nhà thầu thực hiện xây dựng thí điểm các công trình mặt đường BTXM theo yêu cầu chất lượng hoàn hảo.
Giá thành đầu tư ban đầu của mặt đường BTXM lớn hơn mặt đường nhựa khoảng 1,3 lần. Tuy nhiên, do đường nhựa cần thường xuyên duy tu bảo dưỡng định kỳ nên giá thành quy đổi theo chi phí vòng đời khai thác của mặt đường BTXM lại rẻ hơn 20-25%.
>Đường bê tông xi măng: Một mũi tên trúng nhiều đích
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng