Cận cảnh metro số 1 chục ngàn tỉ lượn trên không, sắp lắp ray ở Sài Gòn

Cập nhật 16/10/2017 10:21

Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được lắp ray, đoạn cầu Rạch Chiếc - cầu vượt Xa Lộ Hà Nội ngày 23.10.

Đường sắt đô thị số 1, dự kiến đưa vào khai thác cuối 2020, trở thành tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM, kỳ vọng thu hút người dân sử dụng, giảm áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía đông TP hiện đang quá tải. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km (gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao). Cả tuyến có 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), với tổng mức đầu tư 47.325 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối 2020.

Dự án hiện đã triển khai 3 hợp đồng xây lắp và 1 hợp đồng mua sắm thiết bị theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC.


Đây là tuyến có chiều dài 19,7km (gồm 2,6 km ngầm và 17,1km trên cao) với tổng mức đầu tư 47.325 tỉ đồng. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo đó, gói thầu CP1 gồm: xây dựng ngầm từ ga Nhà hát TP - ga Ba Son, do nhà thầu liên danh Shimizu - Maeda thi công bằng đào ngầm TBM (robot TBM) hiện đã đào được 700m/781m ngầm, ở độ sâu 17m (trung bình 10m/ngày), dự kiến hoàn thành xong cuối tháng 10.2017. Sau khi máy khoan TBM hoàn thành đoạn từ phía ga Ba Son về ga Nhà hát Thành phố, sẽ di chuyển toàn bộ thiết bị trở lại ga Ba Son để thi công ống ngầm thứ 2 đến Nhà hát dài 190m, ở độ sâu 27m;

Xây ngầm từ ga Bến Thành - ga Nhà hát TP, do nhà thầu Liên danh Sumitomo Misui - Cienco4 thi công, hiện đã khảo sát xong địa chất khu vực và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Đối với gói thầu CP2: tuyến đường sắt đô thị trên cao nối từ ga Ba Son (P.Bến Nghé, Q.1) theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, bắc qua cầu Sài Gòn chạy dọc theo Xa Lộ Hà Nội đến bến cuối Long Bình (P.Long Bình, Q.9) dài 17,1 km, đã hoàn thành 100% các hạng mục cọc khoan nhồi, bệ trụ, thân trụ, đúc đốt dầm, lắp dầm U (360 nhịp).

Dọc đường sắt đô thị có 5 cầu đặc biệt, các nhà thầu đã hợp long được 3 cầu gồm: Văn Thánh, Sài Gòn, Rạch Chiếc. Hai cầu còn lại là cầu vượt Xa Lộ Hà Nội và Điện Biên Phủ đạt 50% lượng công trình.

Hệ thống metro đô thị số 1 gồm 14 nhà ga: Văn Thánh, Thảo Điền, Phước Long, Rạch Chiếc, Bình Thái, Khu Công Nghệ Cao, Đại học Quốc gia, Thủ Đức, An Phú, Tân Cảng, hiện cũng đã hoàn thành 80% lượng công trình. Phần ga cuối (P.Long Bình, Q.9) thi công hệ thống thoát nước chính, xưởng hạ tầng và bãi đậu tàu được 62%.


Ngày 23.10, đoạn đường sắt đô thị từ cầu Rạch Chiếc - cầu vượt Xa Lộ Hà Nội sẽ được lắp những thanh ray tàu đầu tiên. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Ngoài ra, gói thầu CP3: gồm mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng, do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đang sản xuất chế tạo. Dự kiến ngày 23.10, tuyến đường sắt đô thị số 1 sẽ được lắp ray đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu vượt Xa Lộ Hà Nội. Đến tháng 8.2018 đoàn tàu metro đô thị đầu tiên được vận chuyển về Việt Nam.

Gói Thầu CP4: gồm hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng và công ty vận hành và bảo dưỡng dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật đầu 2018.


Toàn cảnh tuyến đường sắt đô thị số 1, nhìn từ trên cao đoạn qua khu vực P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM). ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, tuyến đường sắt đô thị số 1, từ ga cuối Long Bình (Q.9) đến nhà ga Ba Son (P.Bến Nghé, Q.1) thi công trên cao hiện còn 4 điểm chưa được nối liền với nhau, gồm các điểm: Cầu vượt Xa Lộ Hà Nội (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), đoạn bắc ngang ngã tư Thủ Đức (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức), đoạn qua Vincom Mega Mall Thảo Điền (P.Thảo Điền, Q.2) và đoạn chân cầu Sài Gòn giáp đường Điện Biên Phủ (P.22, Q.Bình Thạnh).

Trên dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (đoạn ga Khu Công Nghệ Cao - cầu Rạch Chiếc) bề mặt đường sắt đã thi công xong toàn bộ phần thô, chuẩn bị lắp ray vào ngày 23.10.


Bề mặt đường sắt đô thị số 1 trên cao, mọi thứ đã sẵn sàng và chuẩn bị lắp ray. ẢNH: AN HUY

Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết, năm 2006 khi dự tính kinh phí tuyến đường sắt đô thị số 1, ước tính ban đầu chỉ 17.000 tỉ đồng. Năm 2008, dự án được Chính phủ đồng ý, với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm tổng mức đầu tư lên 47.000 tỉ đồng mới sát với thực tế.

Số kinh phí trên, UBND TP đã mời đơn vị thẩm định của Singapore đánh giá, sau đó lấy ý kiến và được nhiều Bộ đồng tình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Các nhà thầu đã hợp long được 3 cầu gồm: Văn Thánh, Sài Gòn, Rạch Chiếc. Hai cầu còn lại là cầu vượt Xa Lộ Hà Nội và Điện Biên Phủ đạt 50% lượng công trình. ẢNH: AN HUY

Tuy nhiên, theo ban quản lý đường sắt đô thị, các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP hiện đang đứng trước nguy cơ thiếu tiền. Bởi nhu cầu vốn ODA tuyến metro số 1 cho cả năm 2017 ở mức 5.400 tỉ đồng nhưng đến tháng 4.2017 Trung ương chỉ phân bổ khoảng 2.000 tỉ đồng.

Do không có tiền trả cho công nhân dịp Tết 2017, ban đã xin TP cho ứng 600 tỉ đồng. Mới đây UBND TP tiếp tục cho ứng 500 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu. Tuy nhiên ngay cả việc ứng thêm 500 tỉ đồng nói trên cũng không đủ nhu cầu vì mỗi tháng giá trị cần thanh toán cho nhà thầu khoảng 500 – 600 tỉ đồng.

Vì thế BQLĐSĐT mong các Bộ, ngành quan tâm giải quyết vốn không chỉ cho tuyến metro số 1 mà còn cho cả TP để đầu tư hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế xã hội, đảm báo các dự án được triển khai đúng tiến độ.

Đường sắt đô thị đoạn qua khu dân cư P.22 Q.Bình Thạnh, nối vào ga Ba Son (P.Bến Nghé, Q.1). ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Toàn cảnh phía bên trong nhà ga Khu Công Nghệ Cao, đã hoàn thành 80% lượng công trình. ẢNH: AN HUY


Theo ghi nhận của Thanh Niên, hiện còn 4 điểm chưa được nối liền với nhau, gồm các điểm: Cầu vượt Xa Lộ Hà Nội (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), đoạn bắc ngang ngã tư Thủ Đức (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức), đoạn qua Vincom Mega Mall Thảo Điền (P.Thảo Điền, Q.2) và đoạn chân cầu Sài Gòn giáp đường Điện Biên Phủ (P.22, Q.Bình Thạnh). ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Một đoạn đường sắt đô thị trên cao, chạy dọc theo Xa Lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM). ẢNH: AN HUY


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ