Cần bãi bỏ cơ chế "kép" trong thu hồi đất

Cập nhật 31/07/2012 08:30

Nhà nước chủ động tạo đủ quỹ đất sạch đưa ra đấu giá, đáp ứng nhu cầu mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư.

Bộ TN&MT vừa hoàn thành dự thảo báo cáo bổ sung việc thực hiện nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách đất đai. Qua khảo sát tại tám tỉnh, TP cho thấy dự án thực hiện theo cơ chế Nhà nước thu hồi đất chiếm tỉ lệ gần 67% diện tích đất các dự án đầu tư. Dự án thực hiện theo cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân chiếm trên 26% các dự án. Dự án đầu tư thực hiện theo cơ chế “kép” kết hợp giữa Nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư tự thỏa thuận chiếm số ít nhất.

Với cơ chế Nhà nước thu hồi đất, theo Bộ TN&MT, cơ chế này có mặt hạn chế là việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chỉ bằng 30%-60% giá thị trường, càng thấp hơn nếu so sánh với các dự án nhà đầu tư tự thỏa thuận. Mặt khác, khi thực hiện cơ chế này, việc thu hồi đất thường bị động và kéo dài qua nhiều năm, “xuyên qua” nhiều chính sách làm phát sinh so bì về quyền lợi giữa người bị thu hồi trước với người bị thu hồi sau trong cùng một dự án.

Với cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận, Bộ TN&MT cho rằng cơ chế này cơ bản phù hợp cho các dự án đầu tư nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế. Tuy vậy, hạn chế là đối với những dự án lớn, nhà đầu tư rất khó hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, do một số người có đất nằm trong khu vực dự án không hợp tác.

Mặt khác, cơ chế thỏa thuận dẫn tới việc toàn bộ phần giá trị tăng thêm của đất do chuyển mục đích sử dụng đất không được thu về cho ngân sách Nhà nước để điều tiết chung mà chui vào túi nhà đầu tư và một phần nhỏ cho người có đất. Cùng với đó, cơ chế này còn tạo ra tình trạng giá đất bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho các dự án đầu tư thuộc cơ chế Nhà nước thu hồi đất.

Với cơ chế “kép” kết hợp giữa Nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư tự thỏa thuận, mặt tích cực là giúp cho nhà đầu tư giải tỏa được phần diện tích không thể giải quyết được bằng cơ chế thỏa thuận. Tuy nhiên, hạn chế là do thực hiện cả hai cơ chế trong cùng một dự án nên rất khó có thể đồng nhất về lợi ích cho tất cả những người có đất bị thu hồi. Vì vậy, những dự án thực hiện cơ chế “kép” thường có số vụ khiếu nại cao hơn so với các dự án thực hiện theo một cơ chế.

Ngoài ra, thực tế cho thấy với cơ chế “kép”, nhà đầu tư thường chọn những khu đất “vàng” có nhiều lợi thế về thương mại, những loại đất giá thấp, những trường hợp dễ thỏa thuận để mua trước. Còn đối với những trường hợp “xương, xẩu”, khó khăn trong việc thương lượng thì đẩy cho Nhà nước thực hiện việc thu hồi.

Để khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong việc thu hồi đất, Bộ TN&MT kiến nghị cần tiếp tục thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất và cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với người có đất. Trong đó, chủ yếu thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước chủ động tạo đủ quỹ đất sạch đưa ra đấu giá, đáp ứng nhu cầu mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư.

Mặt khác, thu hẹp phạm vi thực hiện cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận theo hướng chỉ áp dụng cơ chế này đối với các dự án đầu tư nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, cần bãi bỏ cơ chế “kép” trong giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư. Song song đó, xã hội hóa dịch vụ bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc này chủ yếu sẽ do các tổ chức chuyên nghiệp là đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp thực hiện.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP