Cấm nhà thương mại, thêm ưu đãi cho nhà ở xã hội?

Cập nhật 20/04/2014 08:09

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi với nhiều điểm ưu đãi sẽ được trình, lấy ý kiến đại biểu trong khi nhà ở thương mại được kiến nghị cấm cấp phép.

Thêm ưu đãi cho nhà ở xã hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là phải xác định rõ quỹ đất xây dựng nhà ở khi phê duyệt quy hoạch xây dựng và có kế hoạch huy động các nguồn lực cho phát triển đối với từng loại nhà ở, vì vậy đã dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào, không theo quy hoạch, không có kế hoạch, làm mất cân đối cung- cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp.

Luật hiện hành cũng chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở.

Mặc dù đã có quy định về phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường nhưng Luật hiện hành chưa quy định rõ các cơ chế, chính sách và chưa xác định trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội. Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở thương mại.

Cùng đó, tại nhiều địa phương, chính quyền lại chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người thu nhập thấp không tiếp cận được loại nhà ở này.

Đáng chú ý, Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở để đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả của người dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội

Bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi vốn nhanh, trong khi thực tế lại rất cần quỹ nhà ở để cho các đối tượng thuê vì không đủ khả năng về tài chính.

Luật cũng chưa có quy định cụ thể về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ tín thác bất động sản... nên việc huy động vốn cho việc phát triển nhà ở còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng thương mại.

Khi các tổ chức tín dụng thắt chặt việc cho vay thì các doanh nghiệp phát triển nhà ở đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư.

Tại kỳ họp thứ 13 Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách Nhà ở và Thị trường bất động sản, diễn ra ngày 18/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã đề nghị phải dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định tổng diện tích nhà ở tăng thêm trong năm 2013 là 79 triệu m2 vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra nên cần có sự tăng tốc. Các cơ chế chính sách phải hài hòa, tạo điều kiện để các bên cùng có lợi, người mua có thể mua nhà, người xây nhìn thấy hiệu quả đầu tư.

Việc giải quyết được 36.000 căn nhà ở xã hội thời gian qua có ý nghĩa lớn và phải kể đến đóng góp từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Con số 1 triệu căn nhà ở xã hội cho thấy nhu cầu vẫn rất cao. Quỹ đất cho loại hình nhà ở này không thiếu nhưng phải làm sao để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, về lâu dài cần một chính sách tín dụng riêng cho nhà ở xã hội, gói 30.000 tỷ đồng chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt. Về lâu dài, nếu không chuyển tư duy từ mua sang cho thuê thì không thể giải quyết được vấn đề căn bản về nhà ở.

Dừng cấp phép nhà ở thương mại năm 2014

Cùng với việc mở ra nhiều ưu đãi hơn cho nhà ở xã hội, vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng cấp phép các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới năm 2014.

Theo lý giải của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, số dự án được cấp phép vừa qua quá lớn so với nhu cầu thực của thị trường và khả năng thanh toán của nền kinh tế. Tính chung cả nước có khoảng 4000 dự án nhà thương mại với 102 ngàn ha đất được cấp phép triển khai.

Tại Hà Nội và TPHCM số dự án chưa thực hiện rất nhiều. Vì vậy, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, cần tập trung xử lý tồn kho đối với số dự án này.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết rằng, luôn cần 2 bàn tay vô hình là thị trường tự điều tiết và bàn tay hữu hình để can thiệp, đặc biệt các sản phẩm bất động sản vì đất không sinh ra mà ngày càng mất dần đi.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng  nêu quan điểm, thay vì không cấp phép đầu tư dự án nhà thương mại mới thì Hà Nội đề nghị chỉnh chính sách, yêu cầu địa phương tăng cường rà soát, kiên quyết dừng những dự án chậm tiến độ vì thiếu nguồn lực. Còn nếu dự án khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì cho phép điều chỉnh quy mô, tiến độ và nhà đầu tư khi đó phải chứng minh năng lực triển khai dự án.

Như thế, hướng điều chỉnh đưa ra là “nhắm”… xử những dự án cũ không đảm bảo chứ không phải “chặn” dự án mới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, lệnh cấm vô hình chung tạo lợi thế cho các dự án nhà ở thương mại khác đang vận hành, giải quyết hàng tồn kho trước mắt nhưng tương lai thị trường sẽ thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị về các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ vẫn tăng lên.

“Bản thân các dự án nhà ở thương mại này không phải là dự án có sự hỗ trợ của nhà nước, nó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và việc đầu tư phát triển dự án này tùy thuộc vào quan hệ cung cầu mà đây là nhu cầu thực của thị trường”, ông Hoàng Châu nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt