Sẽ có 12.000 hộ dân được vay vốn từ 20 đến 30 triệu đồng để cải tạo nhà ở.
Bộ Xây dựng đã thông qua phương án khả thi dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL tại sáu đô thị của vùng, bao gồm: TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), TP Cần Thơ, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Tiến sĩ Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết: “Đây là dự án nằm trong chương trình xây dựng chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao điều kiện sống của người dân các đô thị vùng ĐBSCL”. Nhằm cải thiện môi trường sống tốt nhất cho người dân đô thị trong khu vực, dự án sẽ bao gồm các hạng mục: nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các dịch vụ công ở những khu vực có thu nhập thấp; xây dựng các khu tái định cư; thành lập các quỹ tín dụng giúp các hộ dân nghèo cải tạo nhà ở; nâng cao năng lực về quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, nhà, đất...
Sau khi dự án nâng cấp đô thị được triển khai, TP Cần Thơ sẽ nạo vét rạch Cái Khế để xóa bỏ các căn nhà lụp xụp ven và trên kênh. Ảnh: Gia Tuệ. |
Từ năm 2007, Bộ Xây dựng đã đề ra chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia và kế hoạch đầu tư tổng thể cho nâng cấp đô thị đến năm 2020. Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam đầu tiên (gọi tắt là dự án 1) được thực hiện tại TP.HCM, Nam Định, Hải Phòng và Cần Thơ. Dự án này đã nâng cấp cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân bốn địa phương trên, mang lại lợi ích cho hơn 2,2 triệu người.
Năm 2009, TP Cần Thơ hoàn thành giai đoạn một của dự án 1 với việc nâng cấp 68 hẻm, cải tạo hồ Xáng Thổi, bảy cơ sở trường học và trạm y tế. Đầu tháng 4-2010, TP Cần Thơ khởi công giai đoạn hai với các hạng mục nâng cấp 118 hẻm, ba rạch của 12 phường thuộc hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Tổng kinh phí thực hiện dự án 1 của TP Cần Thơ là 60 triệu USD.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP