Cải tạo, tái xây dựng chung cư xuống cấp: Chờ thôi

Cập nhật 16/02/2009 16:35

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nguy hiểm theo Nghị quyết 34/2007 của Chính phủ có nguy cơ không đạt tiến đô.

Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà & Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh, trao đổi với Tiền Phong.

* Thưa ông, thực tế triển khai xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên cả nước đang gặp phải những khó khăn cơ bản nào?

Cải tạo nhà chung cư hiện nay đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, phải dựa vào doanh nghiệp trên cơ sở xã hội hóa.

Trong khi đó, tiềm lực doanh nghiệp lại hạn chế. Nếu vốn đi vay cả, dân sẽ phải gánh chịu lãi, giá nhà sẽ cao.

Mặt khác, mật độ xây dựng và chiều cao công trình tại nhiều thành phố bị giới hạn. Do vậy nếu xây dựng lại nhà cũ nhưng số tầng quá thấp thì doanh nghiệp không có lãi. Nhiều khó khăn chúng ta đã nhìn thấy rõ nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Hầu hết các địa phương hiện làm theo kiểu nhỏ lẻ, trong khi đó tinh thần của Nghị quyết 34 lại yêu cầu xây dựng trên quy hoạch lại. Việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu và chia sẻ với nhà nước về chủ trương này cũng còn rất hạn chế.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với một số tỉnh, thành phố là có vướng mắc gì không. Nhiều tỉnh trả lời không có vướng mắc gì, vấn đề là tiền vốn và tổ chức thực hiện thôi.

Chúng tôi đã đi khảo sát tại Phú Thọ, thành phố Vinh, Hà Nội nhận thấy nhu cầu cải tạo mỗi nơi mỗi khác. Nhiều nơi giá nhà xây xong lên rất cao. Nhưng không ít nơi nhà xây xong không biết bán cho ai. Đây cũng là một thực tế dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết 34-CP chậm trễ.

* Chúng ta có tương đối đủ các quy chế, chính sách để thực hiện việc này, nhưng không ít dự án lại dậm chân tại chỗ, dân khiếu kiện nhiều. Theo ông đâu là điều cần quan tâm tháo gỡ nhất?

Vấn đề ở đây là thực hiện, áp dụng các quy định như thế nào. Thực tế tại nhiều dự án cho thấy rất cần công khai minh bạch thông tin nhiều hơn nữa, phải quan tâm giải đáp các thắc mắc, tạo sự đồng thuận trong dân.

Trong trường hợp một dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm, cần phải đấu thầu công khai, lựa chọn ra nhà đầu tư tốt nhất, phương án phù hợp nhất. Tại các dự án này, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng vì họ chính là nhạc trưởng, là người cầm cân nảy mực ở đây.

Tôi cho là lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm sâu sát việc này. Bộ Xây dựng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết hơn một số nội dung trong Nghị quyết 34, cụ thể như quy trình thực hiện, đánh giá chất lượng nhà chung cư, tháo gỡ một số vướng mắc đang đặt ra. Dự kiến ngay trong quý I/2009 sẽ ban hành thông tư.

* Cảm ơn ông.

Ông Vương Duy Dũng-Phó phòng phát triển nhà, Cục Quản lý nhà & Thị trường Bất động sản cho biết, tính đến nay, hơn 30 tỉnh, thành phố gửi báo cáo, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 34 lên Bộ Xây dựng.

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đều đã lên kế hoạch chi tiết đến từng dự án. Ngay trong năm nay hoặc năm 2010, các doanh nghiệp phải hoàn thành toàn bộ các bước chuẩn bị đầu tư thì may ra mới đạt mục tiêu hoàn thành vào năm 2015. Điều này rất khó thực hiện.

Một số khu chung cư cũ tại Hà Nội đã có chủ đầu tư: Tập thể Giảng Võ do Cty Quản lý & Phát triển Nhà Hà Nội thực hiện; Tập thể Thượng Đình và Thanh Xuân Bắc do Tổng Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam thực hiện;

Tập thể Phương Mai do Cty Cổ phần Đô thị Sông Đà thực hiện; Tập thể Vĩnh Hồ do Cty cổ phần đầu tư Sông Đà-Việt Đức thực hiện; Tập thể Thành Công do Cty TSQ Việt Nam thực hiện; Tập thể Nam Đồng do Cty Đầu tư xây dựng số 2 thực hiện;

Tập thể Quỳnh Mai do Cty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sông Hồng thực hiện; Tập thể Nguyễn Công Trứ do Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng & Phát triển Nhà số 7 thực hiện...


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong