Việc cải tạo chung cư cũ được Hà Nội đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vừa qua, UBND thành phố đã công bố phân loại mức độ nguy hiểm của 42 chung cư ở 5 quận, huyện; từ đó sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ cải tạo.
Ràng buộc về thời gian cải tạo
Trong số 42 chung cư vừa được Sở Xây dựng phân loại mức độ nguy hiểm có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B và 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D (mức cao nhất) cần phải di dân gấp là nhà G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh. Theo quy định, cư dân sống tại các chung cư cũ mức độ D phải di dân nhưng sau 1 tháng trở lại khu nhà A Ngọc Khánh và G6A Thành Công, người dân vẫn sinh hoạt bình thường dù vẫn nơm nớp sợ hãi do sự xuống cấp hiện hữu hàng ngày. Trong khi đó, 40 khu chung cư cũ mức độ C và B hiện Sở Xây dựng cũng chưa có kế hoạch di dời, cải tạo.
Lý giải tình trạng chưa có kế hoạch cụ thể trong việc cải tạo chung cư cũ, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Các khu chung cư cũ sẽ tiến hành lập quy hoạch cải tạo lại theo hướng lập quy hoạch cả khu vực để đáp ứng yêu cầu quy hoạch chung là không tăng quy mô dân số. Việc lập quy hoạch chung sẽ do Ngân sách Nhà nước bỏ ra để trên cơ sở đó thu hút nhà đầu tư. Với khu chung cư xuống cấp cấp độ D, chính quyền địa phương sẽ sớm lập kế hoạch di dời, trong đó tổ chức đối thoại, vận động người dân”.
Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng ở nhà G6A Thành Công.
|
Đại diện các hộ dân sống tại G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh cho biết: “Chính quyền địa phương có thông báo và họp tổ dân phố. Tuy nhiên vấn đề chúng tôi quan tâm là chính quyền phải cam kết với dân, chủ đầu tư phải cam kết với chính quyền về tiến độ thời gian sửa chữa cũng như chất lượng công trình sau khi cải tạo. Đồng thời, người dân ở các khu chung cư cũ phải có quyền giám sát.
Theo KTS Nguyễn Chiến Thắng, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch xây dựng lại các khu chung cư cũ như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh… đang đặt yêu cầu cấp thiết trong quá trình đô thị hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, việc cải tạo chung cư vẫn “dậm chân tại chỗ” do mâu thuẫn về quy hoạch hạn chế độ cao tầng khu nội thành, trong khi nhà đầu tư lại muốn nâng cao tầng để đảm bảo chi phí đầu tư.
Trong khi đó, phần lớn người dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ đều muốn an cư, không muốn xáo trộn. Ông Nghiêm Xuân Tuy, nhà G6A Thành Công chia sẻ: “Người dân lo lắng vì cứ nhìn sang nhà C1 Thành Công di dân khẩn cấp từ năm 2008 - ngay sau trận mưa ngập lịch sử, nhưng rồi bị “đắp chiếu để đấy” 8 năm liền. Vừa rồi mới rậm rịch khởi công, đợi cải tạo xong cũng tròn 10 năm. Chục năm người dân phải di cư bên ngoài. Người dân G6A rất lo lịch sử lặp lại nếu xây lại. Chúng tôi mong muốn thành phố có cơ chế, ràng buộc thời gian rõ ràng: Người dân tạm cư bao năm? Đến bao giờ thì cải tạo xong để chúng tôi được chuyển về? Không thể để tái diễn tình trạng công trình cải tạo đắp chiếu chục năm mà chưa biết ngày về!”.
Sống trong sợ hãi
Ông Nghiêm Xuân Tuy, Trưởng ban Mặt trận Khu dân cư số 12, phường Thành Công, đã gần 20 năm nay gắn bó với khu tập thể G6A Thành Công - khu tập thể có 2 đơn nguyên đã xuống cấp ở mức độ D. Là nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân, tòa nhà gồm 3 cầu thang với những mảng tường tróc vôi ve, bung lở gạch. Nhìn từ phố Nguyên Hồng lại, những “tổ chim” cơi nới ra bên ngoài khu nhà G6A thậm chí còn “nặng” hơn cả phần diện tích thực ban đầu. Chuyển về sống tại căn hộ tầng 3 nhà G6A Thành Công từ năm 1999, ông Nghiêm Xuân Tuy cho biết: “Từ những năm 1981 - 1984, sau khi xây dựng xong, khu nhà đã có hiện tượng lún. Người ta chống lún bằng cách moi hết phần móng từ căn hộ 1 đến căn hộ thứ 3 tầng 1 để cải tạo. Thế nhưng, đào móng đến căn hộ thứ 2 thì hết tiền, không tiếp tục cải tạo nữa. Không những thế, do chịu sức nặng từ hàng chục “chuồng chim” oằn xung quanh, phần liên kết giữa phần diện tích cơi nới và phần diện tích thực của tòa nhà hoàn toàn tách rời nhau. Dù có trát vữa nhiều lần, những đường rãnh tróc lở giữa hai phần diện tích ngày một rõ. Đợt làm cống Nguyên Hồng, xe chở vật liệu trọng tải nặng đi ra đi vào càng khiến những đường rãnh “ngoác rộng” ra”.
Khu tập thể Xây dựng - tòa A Ngọc Khánh cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo ông Nguyễn Đức Tích, Tổ trưởng tổ dân phố 27 phường Ngọc Khánh (tổ 27 gồm tòa nhà A, B, D1, D2, D3 Ngọc Khánh), khu nhà A gồm khoảng 50 căn hộ, với trên dưới 300 nhân khẩu. Việc cơi nới tự do với chi chít “chuồng cọp” phía sau tòa nhà cũng khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy số căn hộ không tăng, nhưng quân số trong mỗi gia đình ngày một đông, gây áp lực lớn xuống tòa nhà, nguy hiểm nhìn thấy rõ nhất là khoảng cách giữa hai tòa A, B cứ ngày một rộng ra…
Tình trạng nhà G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh là điển hình cho sự xuống cấp của các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê, thành phố có 1.516 chung cư cũ. Từ năm 2014, Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát 940 chung cư cũ tại các quận nội thành làm cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm định. “Việc khảo sát mới chỉ dựa trên bằng cảm quan. Từ đó, 42 chung cư cũ được đánh giá nguy hiểm được tiến hành vào kiểm định trong năm 2015. Sở Xây dựng dự kiến sẽ kiểm định 135 chung cư cũ bị lún, lún lệch ở mức độ lớn (hơn 1%), hoặc đã được xây dựng từ lâu, đang xuống cấp. Phần lớn những chung cư này ở khu vực 4 quận nội thành để từ đó có kế hoạch về cải tạo, chống đỡ hoặc di dời”, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin tức