UBND TP Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ trên địa bàn 5 quận, huyện, trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân gấp. Chưa bao giờ mức độ nguy hiểm tại các chung cư cũ lại được cảnh báo cao như hiện nay.
Các căn chung cư cũ này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào
|
Các cơ quan chức năng cùng vào cuộc
Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, TP hiện có 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 – 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Các công trình này tập trung ở 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng) với 935 công trình.
Sau hàng chục năm sử dụng, do áp lực về diện tích ở và sự yếu kém về quản lý, 100% các khu chung cư đều cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất lưu không, sân chung. Cùng đó, việc cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã dẫn đến thấm dột khu vệ sinh, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu công trình… Tuy nhiên, hơn 10 năm tiến hành cải tạo chung cư cũ, Hà Nội mới chỉ xây dựng lại được 16/1.516 tòa chung cư cũ và việc cải tạo chung cư cũ từng được nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ví von “khó như húc đầu vào đá”.
Nhận thấy sự cần thiết của việc phải cải tạo, di dời các chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đánh giá các công trình nhà ở và tiến hành di dời dân đối với các công trình có nguy cơ sụp đổ cao.
Ngay sau đó, ngày 22/2/2016, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Thứ trưởng dự kiến, kết thúc tháng 12/2016 sẽ đánh giá bước 1 sơ bộ trên tổng số khoảng 12.000-15.000 đối tượng nhà. Đến năm 2017 sẽ tiến hành kiểm kê các đối tượng nhà cần phải di dời khẩn cấp; đồng thời có những biện pháp di dời khẩn cấp, phá dỡ. Đối với những nhà sau khi kiểm định đánh giá vẫn có thể tiếp tục sử dụng, nếu có ở lại, cần gia cố và có sự kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các công trình này.
Cải tạo ngay trong năm 2016
Lý giải về nguyên nhân chậm trễ trong việc cải tạo chung cư cũ, các chuyên gia đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là vướng mắc về tư cách pháp nhân. Trong dự án kinh doanh chỉ thừa nhận vai trò của chủ đầu tư bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình, không thừa nhận vai trò của người sử dụng đất hợp pháp.
Ở khía cạnh người dân, một cư dân tại Khu tập thể Giảng Võ cho biết: “Chúng tôi cũng mong muốn được cải tạo nhà chung cư để có cuộc sống mới, nhưng nhìn từ hiện trạng cuộc sống tại nơi định cư gặp nhiều khó khăn như vị trí xa (khu tạm cư ở Pháp Vân, Thanh Trì, Hà Nội), sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn, con cái bị ảnh hưởng do thay đổi môi trường học tập, rồi chuyện chậm tiến độ biết đến bao giờ chúng tôi có thể trở lại với căn nhà của mình nên chúng tôi vẫn muốn ở tại đây”.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội cho rằng, cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đang gặp khó khăn vì vẫn chưa tìm được sự cân bằng lợi ích 3 bên giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân. “Người dân bao giờ cũng đặt ra những yêu cầu rất cao như phương án đền bù tốt nhất, địa điểm tạm cư gần nhất và thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Còn doanh nghiệp thì ngược lại, vì là người làm kinh doanh nên chúng tôi phải xây dựng các phương án đền bù, tạm cư sao cho ít chi phí nhất. Và tất nhiên, chuyện tiến độ thì ai nấy cũng đều muốn nhanh cả, sớm ngày nào thì giảm được chi phí ngày đấy” – doanh nghiệp này cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, phải tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư, cần thực hiện chính sách xã hội hóa theo phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc cân bằng bài toán lợi ích giữa các bên Nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Với sự bảo đảm của Nhà nước, người dân có thể góp vốn cùng doanh nghiệp, cải tạo hoặc xây dựng lại chung cư cũ. Những người góp vốn sẽ nhận được những ưu đãi như việc chọn tầng, chọn căn nhà ở sau này, tùy theo tỷ lệ góp vốn. Nhà nước có thể tổ chức thực hiện mua trái phiếu xây dựng chung cư cũ từ chính cư dân sống ở đây.
Còn về việc tiến hành cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Chí Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ là việc lớn, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư, do vậy cần tạo được sự đồng bộ về pháp lý và đặc biệt là cần tuyên truyền hiệu quả để người dân ủng hộ. “Trong năm 2016, Sở Xây dựng sẽ lên kế hoạch trình TP duyệt để tập trung cải tạo các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn 4 quận nội thành, giải quyết nhanh những bức xúc của người dân” – ông Dũng khẳng định.
Danh sách 42 chung cư cũ tại Hà Nội rơi vào tình trạng nguy hiểm:
Các tòa nhà mức độ nguy hiểm D:
– Tòa nhà G6A Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) , gồm 3 đơn nguyên, nhà xây gạch cao 5 tầng. Đơn nguyên 1 và 2 mức độ nguy hiểm loại D.
Các tòa nhà mức độ nguy hiểm C:
Khu vực quận Ba Đình
– Tòa nhà G6A Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), đơn nguyên 3
– G6B Thành Công gồm 2 đơn nguyên cao 5 tầng, nhà xây gạch
– A1 Giảng Võ, 2 đơn nguyên cao 4 tầng xây gạch
– A2 Giảng Võ, 2 đơn nguyên cao 4 tầng nhà xây gạch
– Tập thể 66 Cửa Bắc, 1 đơn nguyên cao 4 tầng xây gạch
– Nhà A số 218C Đội Cấn, 2 đơn nguyên 4 tầng xây gạch
– Nhà A7 Tập thể đường sắt (Ba Đình), 2 đơn nguyên xây gạch cao 5 tầng
– Nhà A và B Ngọc Khánh (Ba Đình), 4 đơn nguyên nhà lắp ghép tấm lớn cao 5 tầng
– Nhà B1 (Ba Đình), 1 đơn nguyên 4 tầng xây gạch
– Nhà B2.1 Ngọc Khánh, 2 đơn nguyên 5 tầng,
– Nhà B2.2 Ngọc Khánh, 3 đơn nguyên cao 3 tầng
Khu vực quận Hoàn Kiếm
– 121 Lê Duẩn (112 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), 2 đơn nguyên xây gạch cao 3 tầng
Khu vực quận Đống Đa
– Tòa nhà A1 Khương Thượng, 3 đơn nguyên 5 tầng, nhà lắp ghép tấm lớn
– Tòa nhà E1 và E3 Vĩnh Hồ, 3 đơn nguyên cao 5 tầng, nhà lắp ghép tấm lớn
– Tòa nhà A6 Vĩnh Hồ, 2 đơn nguyên cao 4 tầng nhà xây gạch
– Tòa nhà A7 và A8 Vĩnh Hồ, 5 đơn nguyên cao 5 tầng, nhà khung bê tông cốt thép
– Tòa C3 Vĩnh Hồ, 2 đơn nguyên xây gạch 4 tầng
– Tòa 12 Hào Nam, 2 đơn nguyên lắp ghép tấm lớn cao 5 tầng
– Tòa 5B Tây Sơn – Tập thể Đại học Công Đoàn, 2 đơn nguyên cao 5 tầng; – Tòa E4 Vĩnh Hồ, 2 đơn nguyên lắp ghép tấm lớn 5 tầng
– Tòa B6 và B7 Vĩnh Hồ, 4 đơn nguyên xây gạch cao 4 tầng
– C5 Vĩnh Hồ, 3 đơn nguyên xây gạch 4 tầng
Khu vực quận Thanh Xuân
– A1 Thanh Xuân Bắc (Tập thể Bộ Công An, quận Thanh Xuân), 3 đơn nguyên xây gạch cao 5 tầng
– Tòa F4 Thanh Xuân Trung (Tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Thanh Xuân), 2 đơn nguyên xây gạch cao 4 tầng
– Tòa F1 và F2 Tập thể Xà phòng (Thanh Xuân), 4 đơn nguyên xây gạch cao 3 tầng
– F5 Tập thể Xà phòng, 2 đơn nguyên xây gạch cao 4 tầng
– F4 Tập thể Cao su Sao Vàng, 3 đơn nguyên xây gạch cao 3 tầng
– F11 Tập thể Cao su Sao Vàng, 3 đơn nguyên xây gạch cao 4 tầng; – A3 Tập thể Cơ khí Hà Nội (Thanh Xuân), 2 đơn nguyên 3 tầng
– Nhà D tập thể Thuốc lá Thăng Long (Thanh Xuân), 3 đơn nguyên xây gạch cao 4 tầng
– Nhà A và nhà C khu Tập thể Thuốc lá Thăng Long (Thanh Xuân), 6 đơn nguyên xây gạch cao 3 tầng
Khu vực huyện Đông Anh
– Nhà A1 – A2 – A3 – A4 Tập thể Nguyên Khê, 8 đơn nguyên xây gạch cao 5 tầng
Các tòa nhà mức độ nguy hiểm B:
– K2 Hào Nam (Đống Đa), 2 đơn nguyên cao 5 tầng.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN