Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Dân, chính quyền bất đồng việc chọn người xây nhà

Cập nhật 22/04/2008 11:00

Mạng sống của 400 người dân ở khu chung cư B6 Giảng Võ đang treo lơ lửng.

Sau hơn chục năm ra cảnh báo và ba năm kết luận là nhà tối nguy hiểm, cùng với đó là hàng chục công văn, quyết định về việc “cần di dời khẩn cấp” nhưng đến nay, hơn 400 người dân vẫn không chịu di dời khỏi nhà B6, Giảng Võ, Ba Đình (Hà Nội). Phải chăng người dân đang xem thường chính sinh mạng của mình? Tìm hiểu thì được biết mắc mứu ở đây là do người dân muốn được chọn người xây nhà cho mình nhưng chính quyền thì chưa chịu.

Sống trong hiểm họa

Nhà chung cư cao tầng B6 Giảng Võ (Ba Đình) là nhà lắp ghép xây từ năm 1970. Đầu những năm 1990, nhà này đã có hiện tượng lún, nứt và từ đó nhà này đã qua nhiều lần gia cố. Tuy nhiên, việc lún, nứt vẫn tiếp tục, nhiều căn hộ có trần nhà bị tróc lở, hở bê-tông cốt thép. Hiện tượng thấm, dột trở thành phổ biến từ hơn chục năm nay... Năm 2006, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) xếp nhà này vào loại tối nguy hiểm, nghĩa là có thể sập đổ bất cứ lúc nào, cần phải di dời ngay.

Đầu năm 2006, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản về việc xử lý nhà B6, trong đó nêu rõ: “Việc di dời các gia đình sống tại nhà B6 là cần thiết và cấp bách”. Cho tới nay, qua hàng loạt cuộc họp, công văn của các cấp chính quyền đều nhấn mạnh tới việc này. Tuy nhiên đến thời điểm này, hơn 400 người dân đang sinh sống ở đây vẫn án binh bất động.

Mấu chốt của việc chưa di dời được dân ra khỏi nhà nguy hiểm và dự án xây dựng lại nhà B6 vẫn giậm chân tại chỗ là do chưa chọn được chủ đầu tư. Dù các “ứng viên” một bên của TP Hà Nội và một bên của người dân đang có cuộc tranh đua quyết liệt nhưng TP Hà Nội và người dân chẳng bên nào chịu bên nào. Vì vậy mà hơn 400 người dân nhà B6 vẫn “cố thủ” sống trong hiểm họa treo lơ lửng trên đầu hàng ngày.

Không ai chịu ai

Năm 2004, UBND TP Hà Nội giao Công ty ICT lập dự án xây lại nhà B6. Tuy nhiên, người dân ở đây lại không chấp nhận nhà đầu tư do TP chọn.

Người dân ở đây đã tự “điều tra” về nhà đầu tư này và cho biết “họ không thể liều lĩnh đặt niềm tin vào một nhà đầu tư đáng ngờ như ICT”. Ông Nguyễn Văn Kính, Trưởng ban đại diện về việc xây dựng nhà B6, gay gắt: “Thứ nhất, ICT không đảm bảo nguồn tài chính. Thêm nữa trước đó, nhà A6 Giảng Võ do ICT làm chủ đầu tư mới đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp rất nhiều. Họ không có đủ năng lực để xây những tòa nhà như thế.”

Trong khi đó, người dân ở đây cũng đã tự tìm một chủ đầu tư thỏa mãn những điều kiện của mình. Đó là Công ty TNHH nhà nước một thành viên 36 (Công ty 36) - Bộ Quốc phòng. Người dân cho rằng mình là chủ sở hữu nhà và có quyền sử dụng đất thì phải có quyền chọn chủ đầu tư xây nhà cho mình.

Theo phương án thì đơn vị này sẽ xây một chung cư cao cấp hiện đại, mỗi hộ dân ở đây sẽ có thêm vài chục mét vuông nhà không phải trả tiền cùng với diện tích căn hộ cũ, với tổng diện tích khoảng 70 m2. Ngoài ra, công ty còn bố trí tạm cư, chi phí dọn nhà, vận chuyển. Quan trọng hơn, Công ty 36 đã đề ra được một kế hoạch quản lý chung cư sau khi đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, lãnh đạo quận Ba Đình khẳng định nhà đầu tư nào muốn tham gia dự án phải được sự cho phép, chấp thuận của các cấp chính quyền chứ không thể tùy tiện nhảy vào rồi đưa ra những hứa hẹn với người dân sở tại.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết đến thời điểm này vẫn chưa có chủ đầu tư cho nhà B6. UBND TP chỉ đạo: Đối với nhà nguy hiểm đã được cơ quan có thẩm quyền xác định phải dỡ bỏ, trong khi chưa xác định được chủ đầu tư thì việc di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người sử dụng là cấp thiết và là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Luật Nhà ở cũng quy định với nhà nguy hiểm phải di dời khẩn cấp người dân ra khỏi nhà và tháo dỡ mà không chờ sự đồng thuận của người dân.

Ông Trần Ngọc Thiện, Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng):

Thành phố phải làm rõ năng lực của ICT

Việc chọn chủ đầu tư cho nhà B6 bắt buộc phải công khai nhưng không có nghĩa là người dân tham gia vào tất cả các hoạt động như tổ chức đấu thầu, xét thầu, tham gia vào các giai đoạn đầu tư... Bởi có những vấn đề thuộc về chuyên môn, kỹ thuật mà chỉ có cơ quan nhà nước mới có thể làm được. Nhưng dù là chủ đầu tư nào thì cũng phải có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm và làm đúng tiến độ... Người dân tỏ ra không tin tưởng doanh nghiệp mà TP đã “nhắm tới” thì trách nhiệm của TP là phải làm rõ chủ đầu tư có năng lực hay không và giải thích cho dân rõ.

Cần lưu ý là tuy người dân có quyền sở hữu nhà nhưng đây không phải là nhà riêng mà là cả khu tập thể có tính chất cộng đồng. Người dân đề xuất chọn chủ đầu tư là rất tốt, cần trân trọng nhưng trách nhiệm kiểm tra, xem xét và quyết định chủ đầu tư cho nhà B6 thuộc về chính quyền TP.

Với tình trạng của nhà B6 thì thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc giải tỏa là rất cần thiết, không thể để lâu hơn được nữa. Điều này cơ quan kiểm tra của Bộ Xây dựng đã cảnh báo. Trách nhiệm của người dân là phải di dời trước đã. Nếu cứ nhùng nhằng, khi nhà sập gây thiệt hại về tính mạng và tài sản thì chính quyền TP sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Ông Trần Đình Triển, luật sư (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Cần đấu thầu chọn chủ đầu tư

Với những mắc mứu của nhà B6 hiện nay, cách giải quyết tốt nhất là đưa ra đấu thầu để chọn chủ đầu tư. Nên đấu thầu để đảm bảo khách quan, bởi việc chỉ định thầu dễ xảy ra tiêu cực và người dân nghi ngờ. Chính quyền TP sẽ là bên tổ chức mời thầu và chấm thầu.

Việc này trước tiên phải lấy ý kiến người dân. Khi đó nhà đầu tư do dân đã chọn và nhà đầu tư mà chính quyền đã “chấm” trước đây đều có quyền tham gia đấu thầu. Trong thư mời thầu phải thông báo những điều kiện với chủ đầu tư như kinh nghiệm, vốn, chất lượng công trình, tiến độ, thời hạn hoàn thành...


Theo Pháp Luật TP.HCM