Sự khó khăn, vướng mắc dẫn đến khiếu kiện trong thỏa thuận giữa người dân với doanh nghiệp - vai trò chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ diễn ra lâu nay sẽ có cơ hội được tháo gỡ.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa cho biết, cơ quan này sắp trình Chính phủ ban hành một nghị định mới về cải tạo xây dựng chung cư cũ, thay thế cho Nghị quyết 34 năm 2007 của Chính phủ về vấn đề này.
Hiện nay, việc cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ trong Nghị quyết 34 quy định, được thực hiện theo hướng xã hội hóa. Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, với cách làm này việc cải tạo chung cư cũ vấp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thỏa thuận giữa người dân và chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ; gây ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo.
Thực tế cho thấy, số chung cư cũ được cải tạo, xây mới từ năm 2007 tới nay mới chỉ đạt 1%. Hà Nội và TP.HCM vẫn còn 2.000 khu chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng.
Nghị định mới, theo đó xác định vai trò chủ đầu tư sẽ thuộc về Nhà nước, thay vì các doanh nghiệp như trước. Người dân ở các khu chung cư cũ sẽ được lựa chọn, chuyển tới khu nhà mới do Nhà nước xây dựng với ưu đãi về diện tích lớn hơn.
Khu đất được giải tỏa sẽ được đấu giá hoặc sự dụng làm công trình công cộng. Trường hợp người dân tại chung cư cũ muốn ở lại khu nhà không chuyển sang nơi ở mới sẽ chỉ nhận được nhà có diện tích như ban đầu sau khi chung cư cũ được Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng mới.
Ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá, đây là một cách tiếp cận đi kèm với một quy trình xây dựng mới.
Bộ Xây dựng cùng các sở chuyên ngành quản lý về xây dựng của địa phương phải có trách nhiệm thông báo lộ trình xây dựng nhà chung cư trong bao nhiêu năm; công bố những công trình nào phải di dời trong hàng năm do yêu cầu về chất lượng.
Khi đã công bố rồi, người dân phải có trách nhiệm di dời. Nhà nước phải có quỹ nhà trước cho người dân đến - ông Dũng cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN