Gần 1 tháng trôi qua sau thời điểm cuối các địa phương phải báo cáo Bộ Xây dựng về kế hoạch cải tạo chung cư cũ, thế nhưng mới có... 2 tỉnh gửi báo cáo. Đó lại là những tỉnh "không có chung cư cũ và không có nhu cầu cải tạo chung cư".
Cải tạo xong không bán được?
Ngày 10.3 là thời hạn cuối cùng các địa phương phải gửi kế hoạch và những kiến nghị (nếu có) về kế hoạch cải tạo chung cư cũ cho Bộ Xây dựng. Trên cơ sở đó Bộ trình Thủ tướng Chính phủ về chương trình cải tạo chung cư cũ (phải hoàn thành vào năm 2015 theo Nghị quyết 34/2007/NQ-CP). Nhưng đến ngày 30.3 chỉ có 2 địa phương gửi báo cáo là Vĩnh Phúc và Hải Dương.
Trong đó, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cả tỉnh chỉ có 1 nhà chung cư xây dựng đầu những năm 60 thế kỷ trước với 100 căn hộ, nhưng đầu năm 2007 UBND tỉnh đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng khu đất nên... báo cáo rằng không còn nhà chung cư cũ để cải tạo. Trong báo cáo của mình, UBND tỉnh Hải Dương kết luận: "Thị trường nhà đất không hấp dẫn nên không có nhu cầu cải tạo chung cư cũ".
Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cũng cho biết:
"Sở Xây dựng Hải Phòng vừa làm việc với chúng tôi có hỏi rằng, thị trường bất động sản không nóng, cải tạo chung cư cũ xong không bán được nên doanh nghiệp không làm, trong khi ngân sách không có nguồn bố trí thì phải làm như thế nào? Hỏi thế thì chúng tôi không biết trả lời thế nào, bởi vì Nghị quyết 34 đã quy định lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành và chính quyền địa phương" - ông Ninh nói.
Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 2/3 nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 34. "Quy chuẩn quy hoạch xây dựng với những chỉ tiêu liên quan đến cải tạo chung cư cũ đang được xem xét để sớm ban hành. Nhưng đó không phải là lý do gây chậm trễ trong công việc này nếu địa phương quyết tâm làm, thậm chí Bộ Xây dựng sẵn sàng thỏa thuận quy hoạch cho từng dự án" - ông Ninh quả quyết.
Theo ông Ninh, cho đến thời điểm hiện nay, không có địa phương nào phản ánh về bất kỳ vướng mắc nào trong việc thực hiện Nghị quyết 34 nhưng cũng không địa phương nào chịu "nhúc nhích". "Trong khi vai trò của chính quyền địa phương mới là chính, theo Nghị quyết 34 họ phải ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể đưa ra lộ trình và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên phạm vi địa bàn" - ông Ninh nói.
Tính mạng người dân đang bị đe dọa
Nếu ở một số địa phương, chương trình cải tạo chung cư cũ chậm khởi động do doanh nghiệp không mặn mà thì ở Hà Nội lại xuất hiện tình trạng doanh nghiệp giành nhau quyền cải tạo chung cư cũ. Nhà B6 Giảng Võ (Q.Ba Đình, Hà Nội) nằm trong danh mục nhà tối nguy hiểm cấp D, cần "thực hiện ngay việc di dời các hộ dân" theo quy định của Bộ Xây dựng nhưng đã 3 năm nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ.
Năm 2004, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Công ty cổ phần Hà Nội (ICT) nghiên cứu, điều tra và lên phương án cải tạo nhà B6 Giảng Võ. Tháng 1.2006, phương án thiết kế sơ bộ nhà B6 của ICT đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận. Tiếp đó tháng 7.2006, Sở Xây dựng cũng đã thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư cao tầng nhà B6. "Về mặt pháp lý, chúng tôi chỉ cần giấy chứng nhận đầu tư của UBND TP là có thể khởi công cải tạo lại khu nhà tối nguy hiểm này" - ông Nguyễn Hữu Đĩnh, Tổng giám đốc ICT nói.
Tuy nhiên sự việc không đơn giản như vậy, từ hơn một năm nay, tiến độ dự án liên tục bị "thử thách" do thi thoảng lại có một doanh nghiệp xuất hiện. Gần đây nhất là Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây lắp và thương mại 36, tự ý họp dân và đưa ra các tuyên bố về cơ chế hỗ trợ - mà nói như ông Bùi Văn Thông, Phó chủ tịch UBND Q.Ba Đình là "không có căn cứ và không lấy gì bảo đảm".
Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước chất lượng công trình xây dựng Trần Chủng khẳng định: "Lựa chọn đơn vị nào làm chủ đầu tư là quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, mà cao nhất là UBND TP Hà Nội trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm doanh nghiệp nhưng nhà B6 Giảng Võ thuộc loại cần phải di dời dân khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân". Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà một năm nay, kể từ khi Ban chỉ đạo di dời dân tại tòa nhà này được thành lập, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ; người dân vẫn phải tham dự các "cuộc họp dân" lúc của doanh nghiệp này, lúc của doanh nghiệp khác (?). Và cũng trong khi thực tế phức tạp và bức xúc như vậy, nhưng dự thảo Quy chế cải tạo chung cư cũ của Hà Nội đã trải qua không dưới 20 lần soạn thảo, không ít lần lấy ý kiến nhân dân, vẫn ở giai đoạn "chuẩn bị xem xét ban hành".
Có lẽ quyết tâm cải tạo chung cư cũ của Chính phủ cần được sự quan tâm quyết liệt hơn của chính quyền địa phương.