Cải tạo chung cư cũ gặp nhiều khó khăn

Cập nhật 22/05/2015 09:44

Tiến độ xây dựng lại các chung cư cũ  tại TPHCM hiện nay còn rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân mà nguyên nhân chính xuất phát từ cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp địa ốc tham gia công việc này còn nhiều vướng mắc.


Chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Quận 5 đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn còn khoảng 15 hộ dân vẫn chưa di dời. Ảnh: Mạnh Tùng

Hiện nay, TPHCM có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn có “tuổi thọ” trên 50 năm, đang xuống cấp nghiêm trọng, trong tình trạng nguy hiểm cho người dân sinh sống tại đây như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Quận 5; chung cư Cô Giang, Quận 1,..

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.200 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000 mét vuông sàn.

Đồng thời, TPHCM sẽ khởi công xây mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương với trên 900.000 mét vuông sàn.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM, trong 5 năm qua, thành phố mới hoàn thành di dời, tháo dỡ 10 chung cư cũ với quy mô 40.000 mét vuông sàn cũ, đồng thời hoàn thành và đưa vào sử dụng chung cư Tân Phước 3, Quận 11 để bố trí tại định cư tại chỗ cho hơn 440 hộ dân.

Bên cạnh đó, TPHCM đã tổ chức kiểm định được 35 chung cư cũ và trên cơ sở này, các quận, huyện sẽ có kế hoạch để di dời, sửa chữa, cải tạo hay xây mới.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trong một công văn góp ý về dự thảo Nghị định cải tạo, xây dựng lại chung cư gửi lên Bộ Xây dựng và Thường trực UBND TPHCM đã cho rằng, tiến độ xây mới các chung cư cũ đang rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân sống tại các chung cư cũ này.

Đồng thời, HoREA cũng thẳng thắn thừa nhận, các doanh nghiệp hiện nay chưa mặn mà để tham gia cải tạo, nâng cấp hay xây mới lại các chung cư cũ vì thiếu chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp “ngán” tham gia vào lĩnh vực này vì mất nhiều thời gian cho việc thỏa thuận, bồi thường với người dân ở chung cư cũ để họ chịu di dời.

Chẳng hạn, tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo (Quận 5), mặc dù UBND TPHCM đã chấp thuận cho một doanh nghiệp làm chủ đầu tư để triển khai đầu tư xây mới nhưng hiện vẫn còn khoảng 15 hộ dân chưa chịu di dời vì chưa chấp nhận phương án bồi thường.

Vừa qua, Dự thảo Nghị định xây dựng, cải tạo chung cư cũ mới được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến được hy vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn hiện tại để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng, dự thảo chưa quy định đầy đủ các nguyên tắc đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp chung cư phải thực hiện phá dỡ, xây dựng lại mới.

Theo đó, HoREA đề nghị bổ sung nguyên tắc trong trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm phải phá dỡ, xây dựng lại mới thì các hộ gia đình, cá nhân đang cư ngụ tại chung cư phải có nghĩa vụ chấp hành thực hiện di dời, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải quyết định cưỡng chế di dời để phá dỡ chung cư.

Những quy định này nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trong việc di dời các hộ dân, tạo mặt bằng sạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Mặc khác, quy định về cải tạo chung cư cũ cần bổ sung nguyên tắc về quyền của tập thể chủ sở hữu các căn hộ chung cư được tự quyết định phá dỡ, xây dựng lại mới chung cư của mình nếu có đủ điều kiện về nguồn lực tài chính.

Nguyên tắc này hoàn toàn có căn cứ bởi theo Luật Nhà ở 2014, mỗi ban quản trị chung cư có tư cách pháp nhân, có thể tự thuê đơn vị quy hoạch thiết kế, xin giấy phép xây dựng, thuê nhà thầu thi công, thuê đơn vị giám sát…, theo lý giải của HoREA.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG