Cách tiếp cận tiên đề cho bài toán giải cứu bất động sản

Cập nhật 08/04/2013 08:21

Bất cứ vấn đề nào cũng có hai mặt. Lý luận kiểu gì cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Vấn đề càng phức tạp ý kiến càng trái chiều. Quyết định nào cũng có mặt được, mặt mất. Đó là điều hiển nhiên.

Bởi vậy người lãnh đạo giỏi, trong các vấn đề phức tạp, họ không nhìn vào tiểu tiết, không nghe các phân tích tỷ mỷ cục bộ - vì như thế sẽ lạc vào rừng và không lần được đường ra, họ chỉ nhìn vấn đề từ phương diện bộ khung xương sống chính. Điều sáng suốt của họ nằm ở chỗ, chọn những cột xương sống chính của vấn đề như là những tiên đề để đặt các câu hỏi, những điều vi phạm tiên đề sẽ bị loại bỏ ngay tức khắc mà không cần nghe các lý giải hay phản biện chi tiết tiếp theo.

Hiện nay vấn đề giải cứu bất động sản đang được đề cập ráo riết và gây tranh luận gay gắt trái chiều trong xã hội (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Bác Hồ đã từng có cách tiếp cận dạng tiên đề để đi đến quyết định Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Nhiều người sẽ còn nhớ mãi đoạn phim tài liệu ghi lại hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Bác Hồ. Đại tướng nói: “Bác Hồ là con người của những quyết định lịch sử’’ và Ông kể lại 3 câu hỏi ngắn gọn của Bác để rút ra quyết định Toàn quốc kháng chiến.

“Hà nội giữ được bao lâu. Thưa Bác, một tháng (sau này là hai tháng). Thế các thành phố khác. Thưa Bác, được lâu hơn. Còn vùng nông thôn. Dạ, vùng nông thôn thì dĩ nhiên là ta giữ được. Thôi ta trở lại Tân trào”.

Bác không hỏi so sánh chi tiết binh lực ta địch bao nhiêu. Bác chưa quan tâm đến địch đánh đâu trước và đánh như thế nào. Trong bối cảnh vô cùng phức tạp của muôn vàn các mối quan hệ, Bác đã sáng suốt tinh chọn ra 3 câu hỏi cực kỳ đơn giản nhưng rất then chốt. Từ những câu hỏi của Bác và câu trả lời của Đại tướng, chúng ta không chỉ thấy ngay được quyết định mà còn thấy được cả quá trình tiếp diễn trong tương lai của cuộc kháng chiến: Tạm thời phải lùi bỏ thành phố; Về rừng núi và nông thôn xây dựng căn cứ và lực lượng; Tạo dựng thời, cơ tái chiếm thành thị.

Hiện nay vấn đề giải cứu bất động sản đang được đề cập ráo riết và gây tranh luận gay gắt trái chiều trong xã hội. Ai nói cũng cảm thấy có lý cả. Đích thân Bộ trưởng bộ xây dựng đã phải giải trình nhiều lần về phương án giải cứu bất động sản. Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước dành từ 20 đến 40 ngàn tỷ đồng để giải cứu bất động sản.Rõ ràng với cách tiếp cận như vậy, Ngân hàng nhà nước và Bộ trưởng bộ xây dựng xem vấn đề giải cứu bất động sản là vấn đề bắt buộc và hệ trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng tiềm lực kinh tế quốc gia.

Thực ra, nếu học tập cách tiếp cận tiên đề của Bác Hồ thì vấn đề giải cứu bất động sản không phức tạp và không hệ trọng như nhiều người lầm tưởng.

Chúng ta sẽ đưa những câu hỏi mang tính xương sống của vấn đề, và từ những câu trả lời đó sẽ suy ra lời giải cho bài toán giải cứu bất động sản. Chúng tôi sẽ không lý giải chi tiết về câu trả lời mà nhường phần phán xét đó cho bạn đọc.

1.Cứu bất động sản có nghĩa cứu ai là chính?

Trả lời: Ngân hàng và các nhà đầu tư bất động sản lớn.

2. Cứu bất động sản ai được lợi nhiều nhất?

Trả lời: Ngân hàng và các nhà đầu tư bất động sản lớn.

3. Tính đến thời điểm hiện nay ngân hàng và các nhà đầu tư bất động sản lớn lời hay lỗ trong đầu tư bất động sản?

Trả lời:Đang lời nhiều, do thời gian trước họ đã lời quá nhiều.

4. Nếu không cứu bất động sản, giá bất động sản tiếp tục xuống thấp nữa, ai được lợi nhiều nhất?

Trả Lời: Đa số người dân thu nhập trung bình có lợi nhất vì có cơ hội mua được nhà.

5. Dùng 20 đến 40 ngàn tỷ đồng để cứu bất động sản và dùng 20 đến 40 ngàn tỷ đồng để thúc đẩy sản xuất xuất khẩu, bên nào sẽ giúp tăng tiềm lực kinh tế quốc gia hơn và có lợi hơn?

Trả lời: Dùng 20 đến 40 ngàn tỷ đồng để thúc đẩy sản xuất xuất khẩu sẽ tăng tiềm lực kinh tế quốc gia hơn và có lợi hơn.

Thiết nghĩ với 5 câu hỏi và 5 câu trả lời trên, bạn đã có lời giải cho bài toán giải cứu bất động sản:

Không dùng tiền quốc gia để giải cứu bất động sản. Để thị trường bất động sản tự do điều tiết theo quy luật thị trường. Dùng tiền quốc gia để thúc đẩy sản xuất xuất khẩu.

Vi phạm tiên đề

Nếu những người cầm cân nảy mực bất chấp những điều rõ như ban ngày, bơm tiền giải cứu bất động sản thì chỉ có một lý giải duy nhất: Quyền lợi cá nhân và lợi ích nhóm. (Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu, hội toán học Việt Nam)
DiaOcOnline.vn - Theo SGTT