Cách nào xử lý hết vi phạm tại các chung cư?

Cập nhật 18/01/2018 10:38

Từ ngày 15-1-2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.­­ Nghị định đề cập đến những chế tài trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa cư dân và CĐT tại các tòa chung cư, khu đô thị…

Ngày 27-11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng… Bắt đầu từ ngày 15-1-2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Liên quan đến CĐT tại các dự án chung cư, khu đô thị…Nghị định nêu rõ: Phạt tiền 250 - 300 triệu đồng nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp; tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định; không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định.

Phạt 100 - 150 triệu đồng đối với chủ đầu tư khi không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định; không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định.

Phạt phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng với các trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư theo quy định; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành không đủ điều kiện, năng lực theo quy định; tự ý bán, cho thuê chỗ để ô tô không đúng quy định.


Tại chung cư Dolphin plaza, Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm thời điểm đầu năm 2017, cư dân ở đây cũng yêu cầu CĐT giải thích rõ về chất lượng công trình tại một số căn hộ. ẢNH: K.H

Ngoài ra, Nghi định còn quy định các mức phạt khác, thấp hơn các mức nêu trên trong các trường hợp như không có chức năng quản lý, vận hành nhà chung cư mà vẫn thực hiện quản lý, vận hành; quản lý, sử dụng kinh phí vận hành không đúng theo quy định; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý, vận hành, tự ý lựa chọn đơn vị vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư.

Thậm chí, cả các hành vi gây thấm, dột căn hộ nhà chung cư, vấn đề trước đây cư dân thường chỉ biết năn nỉ chủ đầu tư hỗ trợ khắc phục thì nay cũng được đưa vào quy định xử phạt (từ 10 - 20 triệu đồng).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về bất động sản, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng… có hiệu lực trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. Bởi nó sẽ có vai trò cân bằng quyền lợi và trách nhiệm không chỉ của CĐT và của cả các cư dân.

Điểm danh lại một số vụ việc giữa cư dân với CĐT mới thấy sự việc luôn ở trong trạng thái nóng. Mới đây nhất, tại tòa nhà 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội, nhiều hộ dân đã tập trung dưới sảnh, căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư - Cty TNHH khách sạn Kinh Đô bảo đảm cam kết trong hợp đồng về chất lượng công trình, thái độ phục vụ, an ninh, thang máy, phòng cháy chữa cháy, phân định rõ khu sinh hoạt cộng đồng... Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng lên đỉnh điểm khi có 5 hộ bị cắt điện, nước sinh hoạt.

Tại chung cư Chelsea Park, phường Yên Hòa, Cầu Giấy. Mặc dù bàn giao, sử dụng từ cuối năm 2011 nhưng hơn 5 năm qua, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư - Cty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội vẫn chưa có hồi kết; chủ yếu về thời hạn bàn giao nhà, hoàn thiện hạ tầng chưa đúng thiết kế, chưa bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị...

Tại tòa nhà Mipec Riverside, Long Biên đang nổi lên như một điểm nóng mâu thuẫn, tranh chấp. Một số cư dân cho rằng, CĐT đã sai luật khi ngăn cản chủ hộ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, tiện ích bên ngoài như khu vườn treo và bể bơi ngoài trời ở tầng 6. Hoặc chậm đưa tầng hầm B3 vào vận hành.

Ngày 13-12, một số hộ dân tại Goldmark City căng băng rôn phản đối CĐT. Được biết, cư dân ở đây căng băng rôn nhằm gây sức ép với CĐT để xây tường rào cho đường nội bộ. Ban đại diện của cư dân Goldmark City cho rằng đường giáp ranh với khu cư dân Hoàng Công Chất là đường nội bộ của dự án, thuộc sử dụng chung của cư dân Goldmark City nên đương nhiên dự án được phép xây tường rào theo quy hoạch đường nội bộ.

Còn phía CĐT là Cty Việt Hân khẳng định: “Chủ trương của TP quy hoạch dự án này theo hướng mở, liên thông giao thông giữa dự án và khu vực xung quanh. CĐT đã nhiều lần gửi văn bản xin phép chính quyền về việc này nhưng chỉ đạo của quận là không được phép xây dựng tường rào kiên cố. CĐT đang cố gắng tìm thêm giải pháp “rào mềm” khác để vừa giải quyết được mong muốn của cư dân vừa phù hợp với quy hoạch của TP”.

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ra đời là hết sức cần thiết nhưng để áp dụng vào cuộc sống, vào xử lý tranh chấp hay mâu thuẫn giữa cư dân và CĐT vẫn cần một lộ trình thời gian. Trên thực tế, đã có việc cư dân kiện CĐT ra tòa vì cho rằng đang chiếm hữu phí bảo trì 2% nhưng sự việc kéo dài đến hai năm nay vẫn chưa ngã ngũ.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật Xã hội