Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản, so với giai đoạn 2015-2016, năm 2017, số lượng các vụ tranh chấp tại các dự án chung cư tăng mạnh cả về quy mô và tính chất phức tạp.
Tại TP.HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng Thành phố, có tới hơn 100 khu chung cư xuất hiện tranh chấp trong tổng số khoảng 500 dự án trên địa bàn.
Tại Hà Nội, dù cơ quan quản lý chưa tổng kết con số cụ thể nhưng hầu như tuần nào trên mặt báo chí chính thống hoặc mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin mâu thuẫn cư dân - ban quản lý - chủ đầu tư. Nhiều vụ việc tranh chấp phức tạp, kéo dài như tại Dự án Hồ Gươm Plaza, Khu đoàn Ngoại giao, New Horizon…
Vậy khách hàng đã trở nên khó tính hơn hay thị trường xuất hiện nhiều hơn những chủ đầu tư làm ăn tắc trách? Câu trả lời là cả hai, và điều đáng ngạc nhiên là chung cư càng có giá cao thì mâu thuẫn càng phức tạp.
Năm 2017 có lẽ là một năm vất vả của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng khi đơn vị này liên tục phải có công văn phản hồi về các vụ tranh chấp chung cư.
Chia sẻ bên lề một cuộc tọa đàm gần đây, lãnh đạo của đơn vị này từng tiết lộ, mỗi ngày phải nhận và giải quyết không dưới 10 đơn thư từ người dân về tình trạng này.
Đây thực sự là con số đáng báo động, đặc biệt cho tương lai của năm 2018!
Bởi lẽ, với lượng vụ việc tranh chấp gia tăng nhiều như vậy, hệ quả đơn giản là tâm lý người mua nhà, đặc biệt là người mua nhà lần đầu sẽ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, các tranh chấp leo thang không được giải quyết rốt ráo cũng tạo tiền lệ xấu để những chủ đầu tư kém uy tín mặc nhiên coi chuyện tranh chấp là bình thường.
Khi đó, việc một số chủ đầu tư, sàn môi giới tự ý quảng cáo với các tên gọi như chung cư cao cấp, chung cư hạng A, đô thị xanh, khu đô thị sinh thái… nhưng thực tế những điều kiện sống đi kèm từ dịch vụ quản lý với môi trường, cảnh quan, kết nối hạ tầng lại không đáp ứng yêu cầu sẽ diễn ra phổ biến hơn. Từ đó, khách hàng càng mất lòng tin hơn. Vòng xoáy này càng rộng, càng nhanh thì nguy cơ tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản sẽ càng hiện hữu.
Tất nhiên, giải quyết những tranh chấp dạng này là không hề đơn giản, đặc biệt ở những dự án mà cư dân và chủ đầu tư đều “ông cũng gớm, bà cũng ghê”.
Bên cạnh sự vào cuộc phân giải sớm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương khi tranh chấp mới manh nha, thì một giải pháp được một số chủ đầu tư áp dụng thành công là tổ chức hội nghị khách hàng trước khi bàn giao để ghi nhận, xử lý các kiến nghị, thắc mắc. Đồng thời, thành lập sớm Ban quản lý chung cư, để cư dân có thể tham gia ngay vào mọi quyết định có liên quan đến đời sống của họ.
Tranh chấp nào cũng cần một trọng tài tốt và mỗi bên lùi một chút thì mới có thể hóa giải thành công!
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản