Cách lách luật của doanh nghiệp có dự án treo

Cập nhật 01/05/2018 10:14

Có những doanh nghiệp (DN) được giao đất tại TPHCM để thực hiện dự án, nhưng vì thiếu năng lực tài chính nên không triển khai các bước thực hiện mà treo dự án hàng chục năm. Để trốn tránh trách nhiệm, các DN này dùng thủ đoạn thay tên, đổi chủ.

Lập lờ để kéo dài thời gian

Năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 572 thu hồi 35,7ha đất, tạm giao cho Công ty Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để chuẩn bị xây dựng khu dân cư Thăng Long.

Theo quyết định này, Sở TN-MT, UBND huyện Bình Chánh, Ban quản lý Khu Nam và chủ đầu tư có trách nhiệm tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập thiết kế kỹ thuật hệ thống thoát nước, điều chỉnh dự án đầu tư và quy hoạch khu đất trước khi được UBND TPHCM ra quyết định giao đất chính thức.

Nhưng rồi Công ty Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng lại không thực hiện đền bù theo quy định. Người dân nhiều lần yêu cầu thực hiện đền bù, nếu không thì điều chỉnh quy hoạch, xóa dự án để trả đất cho người dân ổn định sinh sống và canh tác.

Sau hơn chục năm bị né đền bù, người dân nghe nói dự án đã chuyển cho chủ đầu tư khác là Công ty Đầu tư xây dựng số 9. Không ai thông báo cho người dân trong vùng quy hoạch dự án là thực hư ra sao.

Dự án khu công nghệ thương mại và dân cư Intresco tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có quy mô lên đến 47ha cũng tương tự. Theo ông Trương Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà (Intresco), lúc đầu công ty được tạm giao 47ha, nhưng nay chỉ còn 7,7ha.

Những khu dân cư lụp xụp, đất đai hoang hóa, thiếu hạ tầng tại các khu dự án treo ở xã Bình Hưng

Chủ đầu tư chính của dự án hiện nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Intresco chỉ còn giữ vai trò chủ đầu tư thành phần. Trước đây, ngày 15-8-2003, Intresco đã lập phương án số 447, theo đó khách hàng và cán bộ, nhân viên đơn vị góp vốn cho công ty để thực hiện giải tỏa đền bù, xây dựng khu nhà ở Làng Intresco tại dự án.

Từ năm 2003-2006, đã có 47 hợp đồng hợp tác đầu tư được ký kết và 265 phiếu thu của cán bộ, công nhân viên. Ngày 30-11-2006, Intresco và Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát  (sau này là Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ký hợp đồng số 708 chuyển chủ đầu tư một phần khu quy hoạch nhà ở và khu quy hoạch thể dục thể thao.

Mặt bằng mới được UBND TP tạm giao, chưa đền bù xong, nhưng Intresco nhượng bán cho chủ đầu tư khác, đã kéo theo nhiều thiệt hại cho khách hàng lẫn người dân trong khu giải tỏa.

2 dự án nêu trên chỉ là 2 trong nhiều dự án treo đã thay tên đổi chủ. Để né trách nhiệm, chủ đầu tư thường đổi tên công ty hoặc sang nhượng, bán “lúa non” cho DN khác. Nếu không có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của cán bộ quản lý thì DN không dễ dây dưa kéo dài, chậm thực hiện dự án.

Người dân và Nhà nước gánh thiệt hại

Giải thích về việc hàng chục khách hàng ký hợp đồng mua đất dự án hơn 15 năm nay vẫn chưa nhận được nền, Intresco cho biết: 47 khách hàng góp vốn đã ký hợp đồng với Intresco thuộc về ranh chuyển giao của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo quy định của hợp đồng, Intresco chuyển giao 47 hợp đồng trên cho Vạn Thịnh Phát giải quyết. Vấn đề đặt ra: Chủ đầu tư cũ hay chủ đầu tư mới chịu trách nhiệm giao nền cho khách hàng?

Ông Nguyễn Văn Ngót (có nhà đất bị thu hồi trong dự án khu đô thị Thăng Long) nói: “Gia đình tôi cất nhà sinh sống ổn định từ năm 1973. Năm 1976, chính quyền cấp lại số nhà mới, sổ hộ khẩu và đã có đầy đủ tờ khai nhà đất năm 1992, 1999, nhưng xin cấp giấy chứng nhận lại bị chính quyền từ chối vì đất đã được quy hoạch từ năm 1992. Hàng chục năm nay, nhà đất không được cấp giấy tờ, nhà hư hỏng không được xây mới, ruộng vườn bỏ hoang”.

Dự án treo không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, mà lợi ích của Nhà nước cũng bị tổn hại. Hàng trăm hécta đất đô thị bị hoang hóa không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai lớn. Tiền thuế nhà đất hàng năm bị thất thu không nhỏ. Người dân đang sử dụng đất không đóng thuế, vì đã có quyết định thu hồi. DN mới được giao đất trên giấy tờ còn thực tế chưa sử dụng, cũng đã né đóng thuế đất.    

Việc DN được giao đất cố tình thay đổi chủ đầu tư, đổ lỗi cho nhau để không thực hiện bồi thường, né trách nhiệm kéo dài hàng chục năm, vẫn không bị xử lý.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng Luật Giải Phóng), những biện pháp chế tài đối với hành vi DN được giao đất nhưng chậm thực hiện, khiến đất đô thị bị bỏ hoang nhiều năm, đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất nông nghiệp bỏ hoang tối đa 24 tháng, còn đất đô thị giao cho DN thực hiện dự án là 24 tháng, và chỉ được gia hạn thêm một lần 24 tháng, nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi.

Thực tế, các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi là do sự thiếu cương quyết của chính quyền trong quản lý và dung túng vi phạm. Trong các quyết định thu hồi và giao đất cho DN chủ yếu là “tạm giao” và không có quy định về thời hạn thực hiện. Đây là khe hở pháp luật để các DN được giao đất làm dự án lợi dụng kéo dài hàng chục năm mà không bị xử lý theo luật định. 


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP