Năm 2012 sẽ là năm các nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận từ thị trường bất động sản (BĐS). Đó là nhận định của một số chuyên gia nước ngoài trong hội thảo mới đây tại Hà Nội về thị trường BĐS Việt Nam.
Việt Nam là “điểm đến” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.Ảnh: Huy Hùng
|
Các nhà đầu tư cho rằng, năm nay thị trường BĐS vẫn gặp khó khăn không kém năm ngoái là do dòng tiền "chảy" vào khu vực này bị "nghẽn mạch" và người mua đang trong trạng thái chờ xem thị trường đã "chạm đáy" hay chưa? Giá vàng đang ở mức cao, khi giá vàng có dấu hiệu giảm, các nhà đầu tư, kể cả các DN lẫn cá nhân sẽ lại chuyển từ kênh đầu tư vàng sang kênh đầu tư BĐS. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS sẽ tăng đáng kể trong năm nay khi các nhà đầu tư thuộc khu vực này "đổ" vốn vào.
Bởi Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã được thể hiện trong năm qua, những giao dịch của các nhà đầu tư "ngoại" đã mở đường cho nhiều hoạt động hơn nữa trong năm nay và những năm tới. Thị trường BĐS trầm lắng, các DN "nội" kêu khó, thì ngược lại nhiều nhà đầu tư "ngoại" vẫn lạc quan về thị trường BĐS năm 2012, trong việc phát triển ở các phân khúc văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, khu nghỉ dưỡng, nhà ở cho người nước ngoài...
Trong bối cảnh thị trường BĐS đầy thách thức như hiện nay, cũng như các ngành khác, việc "tái cơ cấu" thị trường BĐS được coi là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển. Một trong những yếu tố để việc tái cơ cấu thị trường BĐS đạt hiệu quả là các nhà đầu tư phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra chiến lược phù hợp nhằm thích nghi với sự thay đổi của thị trường BĐS. Nhà đầu tư chấp nhận bán sản phẩm với giá hợp lý, thời gian thanh toán phù hợp là một trong những giải pháp được đề cập nhiều nhất trong thời điểm hiện nay. Biện pháp này không những sẽ giúp các DN tháo gỡ khó khăn trước mắt, xử lý được các dự án đang đình trệ do thiếu vốn mà còn tạo cơ hội để tái cấu trúc hoạt động đầu tư, tự khơi thông nguồn vốn và giảm áp lực trả nợ, cũng như chi phí lãi vay cao như hiện nay (19-23%/năm).
Những khó khăn của các DN "nội" trong đầu tư, kinh doanh BĐS sẽ là cơ hội để các DN "ngoại" tiếp tục phát triển hơn nữa. Vì sức mua của thị trường, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn khá cao, nếu dự án có vị trí tốt, giá hợp lý… vẫn thu hút khách hàng. Cùng quan điểm này, một số chủ dự án thuộc một số khu đô thị trên địa bàn huyện Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên… (Hà Nội) và TP Hồ Chí Minh cũng tin rằng sau thời kỳ trầm lắng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ phát triển. Điều này cũng được khẳng định bằng việc có không ít DN đầu tư, kinh doanh BĐS "ngoại" mới đây đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong kế hoạch tìm cơ hội đầu tư, cung ứng các dịch vụ đầu tư phát triển dự án và quản lý BĐS. Đặc biệt, họ nhắm đến hai phân khúc là nhà ở và khách sạn tại khu vực TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cuối năm qua, Hiệp hội BĐS Á - Mỹ đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ phát triển với Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Tuy nhiên, ở góc độ thu hút đầu tư, việc tìm nguồn vốn mới cho thị trường BĐS Việt Nam từ các nhà đầu tư Á - Mỹ có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chính sách, điều kiện, môi trường đầu tư... Tập đoàn Tama Home của Nhật Bản cũng tham gia hoạt động đầu tư BĐS ở Việt Nam thông qua việc mua lại 20% cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (Cotecland) - thành viên của Cotec Group. Indochina Capital, một trong những quỹ đầu tư BĐS hàng đầu tại Việt Nam có kết quả đầu tư năm 2011 khá ấn tượng, đạt doanh thu khoảng 40 triệu USD, tăng trưởng khá ở tất cả các dự án bán căn hộ. Đại diện quỹ này cũng vừa công bố sẽ tiếp tục triển khai thêm một số dự án trong năm 2012. Bên cạnh những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Hoa Kỳ… năm 2012, sẽ có nhiều quỹ đầu tư mới được hình thành tại thị trường Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của vài "đại gia" mới trong làng BĐS thế giới đến từ Châu Á...
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới