Dưới con mắt của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, các khu tập thể cũ tại Hà Nội không chỉ là những khu nhà ở với nỗi lo xuống cấp mà còn là dấu ấn kiến trúc của quá trình phát triển.
Từ những khu tập thể làm bằng gỗ đến những khu nhà lắp ghép thấp tầng, cao tầng khi được xây dựng nên đều là niềm ao ước của người dân Hà Nội. Và "cất giữ" trong các công trình là những dấu ấn đặc biệt, là di sản của một thời kỳ khó khăn nhưng đáng nhớ.
Nhà A12, khu tập thể Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải |
Nhận diện…
"Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc là di sản giai đoạn năm 1954 - 1986 tại nội đô Hà Nội" là đề tài khoa học do Sở QH - KT và Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đồng chủ trì nghiên cứu. Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã đề xuất công nhận những công trình kiến trúc của giai đoạn năm 1954 - 1986 là di sản và một số công trình tiêu biểu cần được lựa chọn để tu bổ và phục hồi, gìn giữ trước khi các khu tập thể cũ bị phá đi xây dựng lại.
Có thể thấy, giai đoạn năm 1954 - 1965, khu tập thể Hàm Tử Quan ra đời có đặc điểm là làm bằng gỗ, thứ vật liệu dễ tìm thời đó, với khu phụ, bể nước, chậu rửa, bàn giặt bằng gạch xây, niên hạn sử dụng tạm thời. Trong khi đó, khu tập thể Kim Liên là khu ở đầu tiên được bố trí theo hình thức tiểu khu, có nhóm nhà, có hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, sân vận động, cửa hàng bách hóa. Nhà được xây cao tầng, bố cục chạy dài và song song. Sau đó, tập thể Nguyễn Công Trứ cũng được xây dựng hoàn chỉnh theo hình mẫu này.
Lần đầu tiên Hà Nội phát triển các kiểu nhà lắp ghép đơn giản đó là vào giai đoạn năm 1965 - 1986. Mẫu nhà ở 2 tầng lắp ghép tấm lớn độn vật liệu xỉ, xây dựng thí điểm năm 1971 - 1972 tại Trương Định, Yên Lãng. Sau đó, các mẫu nhà lắp ghép tấm lớn 5 tầng có nhiều ưu điểm hơn, được triển khai hàng loạt tại Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ… Công trình có kiến trúc tốt hơn cả trong giai đoạn này (năm 1967) là khu nhà ở ngoại giao đoàn Vạn Phúc của các KTS Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Oanh được xếp vào nhóm nhà ở có giá trị "đặc biệt".
KTS Đặng Thái Hoàng cho biết, qua trao đổi với nhiều chuyên gia nước ngoài, có thể nhận thấy ba vấn đề rất được các học giả, nhà văn hóa, kiến trúc quan tâm: Thứ nhất là kiến trúc Pháp ở Hà Nội, thứ hai là kiến trúc Nga ở Hà Nội với đặc trưng kiến trúc XHCN và cuối cùng là kiến trúc tiểu khu. Cấu trúc tiểu khu mang lại hiệu quả rất thực tế, 5 phút có thể đưa con đến nhà trẻ, 10 phút có thể đưa con đến trường tiểu học…
Vượt lên trên giá trị về vật chất
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trước đây đã có nhiều nghiên cứu về kiến trúc truyền thống hay kiến trúc Pháp, kiến trúc hiện đại nhưng thiếu hẳn nghiên cứu về kiến trúc giai đoạn năm 1954 - 1986. Đây là giai đoạn phát triển từ đô thị tiêu dùng, đô thị thuộc địa sang đô thị XHCN; là thời kỳ Nhà nước bao cấp xây dựng và cũng là thời kỳ có nhiều công trình do các nước XHCN giúp đỡ thiết kế cùng với đội ngũ KTS trong nước đã tạo được dấu ấn đặc thù cho nền kiến trúc Việt Nam. Thậm chí, nhiều công trình còn vượt khỏi giá trị về mặt vật chất, khẳng định giá trị tinh thần là ước mơ, là sự phấn đấu, là niềm kiêu hãnh của một thế hệ.
Ngày nay, cùng với thời gian, các công trình này đang đứng trước sự lựa chọn và cả thách thức, đó là được cải tạo, hoàn thiện hoặc phá bỏ xây dựng mới. Việc lựa chọn giải pháp nào, chủ yếu dựa trên yếu tố quy mô, sự xuống cấp, độ nguy hiểm, còn những yếu tố giá trị phi vật thể, giá trị văn hóa dường như không được xem xét. KTS Đặng Thái Hoàng đặt vấn đề, nên chọn ra một số công trình để tái sử dụng một cách mềm dẻo. Diện tích đất của một nhà máy hoàn toàn có thể trở thành một bảo tàng. Có 3 yếu tố cần được phát huy là cảnh quan kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân văn. Những công trình có ý nghĩa thiêng liêng cần được bảo tồn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với các tập thể cũ, nếu không nhanh chóng có quy chế bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc, chọn lựa những công trình tiêu biểu cho từng giai đoạn để bảo tồn thì có lẽ chẳng mấy chốc chúng sẽ bị phá đi, xây lại bằng những công trình hiện đại. Ông Đỗ Hoàng Ân, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tán thành việc cần đưa ra một quy chế để quản lý và cho rằng, cần có sự khẳng định tập thể cũ cũng là một trong những di sản mà Hà Nội cần giữ gìn.q
Các khu tập thể cũ xây dựng tại khu vực nội đô của Hà Nội trong giai đoạn 1954 - 1986 được các chuyên gia đánh giá là công trình di sản đáng chú ý gồm: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thọ Lão, Quỳnh Lôi, Văn Chương (giai đoạn năm 1954 - 1965); tập thể Hàm Tử Quan (năm 1957), Kim Liên (1959), Trương Định (1971), Trung Tự (1975 - 1980), Giảng Võ (1975 - 1980)…
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT