Các khu “đất vàng” tại TP.HCM: Tiến trình “tìm chủ” đến đâu?

Cập nhật 15/07/2009 11:50

Khu “đất vàng” góc Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

UBND TP.HCM đã quy hoạch 8 khu “đất vàng” để đưa ra đấu thầu chọn mặt gửi vàng. Tổng diện tích các khu đất này hơn 460ha, gồm sáu khu đất ở quận 1 (khoảng 37ha) và hai khu đất ở Bình Thạnh (khoảng 427ha). Các khu “đất vàng” này hiện nay như thế nào?

Trong số tám khu “đất vàng”, hiện chỉ có khu chợ Văn Thánh đã có nhà đầu tư; khu Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo thì phía trúng thầu khẳng định “lui binh”; sáu khu còn lại đang trong kế hoạch tìm kiếm “chủ nhân”.

Tìm mặt gửi... “vàng”

Tại kỳ họp HĐND TP mới đây (7 đến 9-7-2009), UBND TP đã trình danh mục sáu dự án cần lựa chọn nhà đầu tư. Do việc trình này chậm trễ, Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP chưa thẩm tra, nên tờ trình này không được xem xét tại kỳ họp HĐND TP vừa qua. Tuy nhiên, thường trực HĐND TP giao cho UBND TP xin ý kiến cấp trung ương triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó chỉ cần báo cáo thường trực HĐND TP, không phải thông qua HĐND TP.

Theo đề xuất của UBND TP, một trong những khu đất có sức hút mạnh mẽ, đó là khu gần 10.000m2 được bao quanh bởi đường Nguyễn Du - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng. Đây cũng là nơi cư trú của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng khoảng hơn 140 hộ dân. Ngoài diện tích khá lớn, khu đất còn nằm trong quần thể các công trình mang nét đặt trưng của thành phố như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, công viên Chi Lăng...

Theo quy hoạch, khu đất này sẽ bố trí theo chức năng thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp, khu trưng bày, triển lãm... Chủ trương đấu thầu rộng rãi khu đất đã có từ tháng 8-2007. Và đến đầu tháng 7-2009, thông tin từ cơ quan chức năng cho biết hiện có hơn 60 nhà đầu tư đặt “tầm ngắm” vào đây, trong số này nhiều nhà đầu tư “tiếp thị” vốn liếng của họ có đến hơn 1 tỉ USD...

Một khu đất khác có diện tích hơn 11.000m2 (khu Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Hùynh Thúc Kháng, quận 1). Khu đất này chủ yếu là nhà liên kế, có gần 250 hộ dân sinh sống, làm ăn. Tuy nằm trong danh sách đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng khu đất mới có một nhà đầu tư xin đầu tư. Dù mọi việc còn nằm trong giai đoạn đề xuất, kêu gọi đầu tư nhưng nhà đầu tư này đã bồi thường được 30% trong tổng số gần 250 hộ dân (khoảng 2.000m2).

Khu đất có diện tích lớn nhất trong số sáu khu đất đang được đưa ra xem xét đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là dự án tại bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), diện tích 426,93ha. Trên khu đất này hiện có gần 3.000 hộ dân. Mục tiêu của dự án là xây khu đô thị sinh thái hiện đại, du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa, giải trí... Theo cơ quan chức năng, đã có hơn 17 nhà đầu tư mong muốn vào khu đất, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Ba khu đất còn lại gồm: khu tứ giác chợ Dân Sinh (hơn 10.000m2); khu Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Huỳnh Thúc Kháng (gần 4.500m2); khu Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Đạm - Tôn Thất Thiệp gần 2.000m2. Tất cả các khu đất này đều đang có một số nhà đầu tư “dòm ngó”.

“Đất vàng” chưa trở thành vàng

Một trong hai khu “đất vàng” đã có kết quả đấu thầu là khu Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (Q.1, khoảng 13.000m2). Liên danh Thái Sơn trúng thầu. Thời gian thực hiện dự án năm năm kể từ khi hoàn tất việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng Trường THPT Ernst Thalmann tại địa điểm mới (nếu thực hiện dự án, ngôi trường này bị giải tỏa). Tuy nhiên, đầu tháng 5-2009, phía trúng thầu đã có văn bản khẳng định “lui binh” khỏi dự án.

Trong một diễn biến khác, liên danh Khánh Gia - một trong hai nhà thầu lọt vào danh sách ngắn - đã khiếu nại quyết liệt sau khi mở thầu khu Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo. Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc và có kết luận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết. Trong danh mục các dự án cần lựa chọn nhà đầu tư theo đề xuất mới nhất của UBND TP thì không có khu đất này.

Riêng khu “đất vàng” chợ Văn Thánh, theo ông Nguyễn Minh Tuấn - phó giám đốc Công ty cổ phần SSG Văn Thánh (đơn vị trúng thầu), quý 4-2009 sẽ khởi công xây dựng dự án trung tâm thương mại, cao ốc cho thuê. Ông Tuấn cho biết hiện địa điểm xây dựng chợ mới thay thế chợ Văn Thánh đã được xác định dù vẫn còn phải thỏa thuận thêm một số chi tiết về giá với chủ đất. “Khó khăn nhất là thỏa thuận đền bù cho trạm bưu điện nằm trong khuôn viên dự án.

Việc này ban đền bù, giải phóng mặt bằng của Q.Bình Thạnh vẫn đang tiến hành đàm phán với các bên” - ông Tuấn nói. Một lãnh đạo SSG Group, đơn vị chủ trì trong liên danh trúng thầu “khu đất vàng” chợ Văn Thánh, cho biết trong tuần này chủ đầu tư tiếp tục chuyển tiền đền bù cho tiểu thương, trước đây đã chuyển được trên 20 tỉ đồng. Việc chậm trễ khởi công dự án, theo chủ đầu tư, là do thủ tục quá phức tạp.

Liên danh các nhà đầu tư trúng thầu khu “đất vàng” chợ Văn Thánh (gồm Công ty cổ phần địa ốc xây dựng (SSG), Công ty cổ phần Xây dựng số 1 (Cofico), Công ty TNHH Sunwah Vietnam và Công ty Vật liệu xây dựng số 1 (Fico) hồi tháng 8 năm ngoái đã ký thỏa thuận với hội đồng đấu thầu để cam kết triển khai dự án này. Theo bản thỏa thuận này, chậm nhất ngày 30-6-2009 nhà đầu tư phải khởi công dự án và hoàn tất xây dựng trong vòng 30 tháng. Thỏa thuận cũng quy định nhà đầu tư không được chuyển nhượng kết quả trúng thầu. Liên danh trên đã thắng với giá dự thầu là 1.118 tỉ đồng, hỗ trợ ngân sách TP.HCM 215 tỉ đồng.

Dài cổ với quy hoạch

Từ nhiều năm nay người dân khu Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) kêu trời bởi quy hoạch bị “treo” quá lâu. Từ tháng 6-2004, UBND TP đã có quyết định thu hồi, tạm giao khoảng hơn 410ha đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Nhiều người dân không biết lộ trình thực hiện dự án ra sao, trong khi các nhu cầu liên quan đến đất đai đều gặp khó khăn do đây là khu đã quy hoạch.

Đến tháng 7-2007, UBND TP lại có quyết định duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, nâng tổng diện tích của dự án lên 426,93ha. Nhưng từ ngày điều chỉnh quy hoạch cho đến nay, người dân ở đây vẫn chờ đợi kế hoạch đền bù, giải tỏa, tái định cư.

Người dân đang tự hỏi dự án này bao giờ triển khai hay phải tiếp tục chờ đợi? Trao đổi với PV Tuổi Trẻ ngày 13-7, ông Tống Văn Độ - phó ban Mặt trận khu phố 2, phường 28, quận Bình Thạnh - nói rằng nguyện vọng của bà con trong khu quy hoạch là mong muốn chính quyền phải trả lời dứt khoát lộ trình thực hiện. Nếu không thực hiện quy hoạch nữa thì phải xóa, chứ “treo” dân hoài khổ sở lắm.

Tương tự chiều 13-7, một số hộ dân sinh sống ở hẻm 59 Nguyễn Du, phường Bến Nghé (thuộc khu Nguyễn Du - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng) đều băn khoăn nói rằng chỉ nghe loáng thoáng mảnh đất họ đang sinh sống, làm ăn sẽ quy hoạch, đưa ra đấu thầu. Một số hộ dân nói thêm không biết quy hoạch cụ thể ra sao, làm cái gì, bao giờ làm... nhưng nhiều năm qua việc hóa giá nhà, xin xây dựng nhà đều tắc.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO