Các dự án xây dựng mới tạm nghỉ

Cập nhật 16/06/2008 17:00

Nhiều doanh nghiệp đang phải xem xét để cắt giảm hoặc giãn tiến độ những dự án xây dựng mới trong năm 2008 do khó khăn về vốn đầu tư và tình hình thị trường bất động sản (BĐS) khá trầm lắng.

Trong kế hoạch năm 2008, một doanh nghiệp may tại TP.HCM sẽ hợp tác cùng một doanh nghiệp kinh doanh BĐS để xây dựng khu trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê 20 tầng tại Q.5, TP.HCM. Tuy nhiên, giám đốc doanh nghiệp may này cho biết hai bên vừa họp bàn sẽ tạm hoãn dự án lại để chờ tình hình sáng sủa hơn.

Theo phương án xây dựng từ năm 2007, tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 300 tỉ đồng và hai bên hợp tác theo phương án góp vốn 51% và 49%. "Trong khi việc huy động vốn từ ngân hàng hay từ thị trường chứng khoán đều quá khó khăn như hiện nay, công ty chúng tôi nhận thấy sẽ khó đủ vốn để góp vào dự án. Hơn nữa, xây dựng trong điều kiện giá vật liệu đang biến động theo chiều hướng tăng lên thì không khả thi.

Tổng vốn đầu tư chúng tôi tính theo giá xây dựng năm 2007. Hiện nay chỉ riêng sắt thép đã tăng gần gấp đôi so với kế hoạch thì không thể biết được vốn đầu tư sẽ tăng bao nhiêu nữa" - vị giám đốc này nói.

Tổng giám đốc một công ty xây dựng và kinh doanh BĐS tại TP.HCM (xin được giấu tên) cũng cho biết công ty ông đã xem xét và sẽ giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng khoảng 40% so với kế hoạch đưa ra.

Theo ông, hiện công ty chỉ cố gắng thực hiện các dự án đang xây dựng dở dang, còn những dự án mới phải chờ đợi để tính toán cân đối lại nguồn vốn lưu động của công ty. Vì theo vị tổng giám đốc này, nếu đi vay tiền ngân hàng đổ vào đầu tư xây dựng thì chỉ có lỗ vì lãi suất quá cao, trong khi thị trường không thể bán được hàng nhanh với giá cao như trước.

Đồng các quan điểm trên, ông Đặng Hồng Anh - Tổng giám đốc Công ty địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) cho rằng việc giãn tiến độ các dự án địa ốc hiện nay là tình hình chung. Ngay cả bản thân Sacomreal cũng giãn một số dự án xây dựng căn hộ của mình và tập trung hoàn thành các dự án đã ký kết trước đó.

Theo ông Đặng Hồng Anh, bên cạnh khó khăn về việc thu xếp vốn, đầu ra cho dự án căn hộ cũng khá chậm. Vì vậy doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại cho hoạt động kinh doanh của mình theo điều kiện cụ thể. Đó là chưa kể các hợp đồng xây dựng hiện nay đa số phải được thực hiện theo kiểu "tiền tươi".

Anh Nguyễn Tuấn, một nhà thầu xây dựng cho biết đa số hiện nay, sau khi ký hợp đồng xây dựng bên chủ đầu tư phải chuyển từ 60 - 70% giá trị hợp đồng thì anh mới có thể thực hiện. Một phần do chủ thầu muốn tập kết vật liệu xây dựng sớm để tránh bị tăng giá, mặt khác muốn "chắc cú" khỏi bị trì hoãn thanh toán khi tình hình tài chính đang khó khăn.

Thị trường giao dịch sụt giảm, tình hình tài chính khó khăn, giá vật liệu xây dựng tăng... đang làm nhiều doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ phải cắt giảm hay hoãn các dự án đầu tư xây dựng mới. Nhưng đây cũng là dịp để sàng lọc năng lực của các chủ đầu tư, hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan để thị trường phát triển ổn định.

Theo Thanh Niên