Các dự án chậm trễ nguyên nhân lớn là do sự biến động của giá cả

Cập nhật 12/09/2007 16:00

Để đối phó với việc giá cả biến động dẫn đến thay đổi đơn giá công trình,  Bộ trưởng Bộ GT - VT  Hồ Nghĩa Dũng cho rằng cần phải xây dựng hệ số trượt giá. “Áp dụng hệ số trượt giá này có thể đẩy nhanh thời gian điều chỉnh tổng dự toán, cũng như tổng mức đầu tư cho dự án”.

Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thường được triển khai rất chậm, thậm chí một số dự án gần như không thể triển khai được.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, đơn vị được giao rất nhiều dự án thuộc loại trên trao đổi vê nguyên nhân cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này.

- Thưa ông, nhiều dự án đang bị ách tắc ngay từ khâu đầu tiên là giải phóng mặt bằng. Phải chăng đó là do chúng ta chưa có những giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng trên?

- Để giải quyết vấn đề này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ liên quan tới các chính sách về đất đai, giá cả đền bù, tái định cư... Theo tôi, đầu tiên, cần tập trung vào tổ chức thực hiện cho được Quyết định 1165 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung cơ bản của Quyết định là dự án sau khi được quyết định đầu tư, được chia thành hai tiểu dự án: tiểu dự án xây dựng do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện và tiểu dự án giải phóng mặt bằng đã được giao cho các địa phương toàn quyền chủ động thực hiện từ nguồn vốn kế hoạch.

- Vậy, có thể hiểu, việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng cho các dự án là lỗi của địa phương, nhưng theo ông, họ cần làm gì để giải quyết vấn đề này?



Ông Hồ Nghĩa Dũng
.

  - Theo tôi, các địa phương cần xây dựng khu tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng. Các địa phương thường làm rất chậm việc này. Muốn làm nhanh, họ phải có chính sách ưu tiên về đất đai, đồng thời ban hành nhanh những quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với công trình tái định cư, trong đó có cả đất đai, điện, nước, hạ tầng xây dựng...

Thứ hai là, các địa phương phải xây dựng được chính sách hợp lý về giá đền bù, theo thoả thuận giữa chủ đầu tư và người dân có đất bị giải tỏa, phù hợp với mức giá tại thời điểm đó.

Cái khó của vấn đề này là cơ quan nhà nước phải làm rõ giá thị trường và mức thoả thuận, để giải quyết nhanh khâu xác định giá.

Thứ ba là việc tổ chức thực hiện. Chủ đầu tư giải phóng mặt bằng phải có ban quản lý (BQL) chuyên nghiệp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thay vì cách kiêm nhiệm như hiện nay.

Do kiêm nhiệm, có thể nay người này mai người khác kiêm nhiệm, nên áp dụng chính sách ở những thời điểm khác nhau, không nhất quán, gây ra những bất hợp lý và sự không đồng tình của nhân dân.

- Lại nói về BQL dự án, có ý kiến cho rằng, cần xác định rõ mô hình để các ban này hoạt động có hiệu quả. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Tôi cho rằng, muốn kiện toàn BQL dự án thì về mô hình, cần nghiên cứu để bổ sung chức năng tư vấn quản lý dự án cho một số BQL dự án có điều kiện. Hiện Chính phủ đã cho phép chúng tôi làm thí điểm mô hình này tại 2 BQL dự án. Nếu được bổ sung chức năng tư vấn này thì BQL dự án có thể vừa phục vụ cho chủ đầu tư là Bộ Giao thông - Vận tải, vừa có điều kiện tham gia phục vụ quản lý dự án cho nhiều chủ đầu tư khác.

- Còn các BQL dự án chưa đủ điều kiện thì sao?

- Hiện nay, ngay trong Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã phân cấp rõ ràng, Bộ sẽ thực hiện chức năng làm chủ đầu tư một số dự án lớn, còn lại phân cấp cho các cục, các tổng công ty. Các BQL dự án chưa có đủ điều kiện để bổ sung chức năng tư vấn sẽ được chuyển về cho các cục và các tổng công ty quản lý, để phục vụ ngay cho các đơn vị này. Ngoài ra, cũng cần củng cố ngay nội thân của các BQL dự án, đặc biệt là vấn đề tổ chức và quản lý tài chính.

- Việc chậm trễ của các dự án còn do nguyên nhân rất lớn là sự biến động của giá cả, dẫn đến thay đổi đơn giá thực hiện công trình. Vậy Bộ Giao thông - Vận tải giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Chúng tôi sẽ xây dựng các đơn giá và định mức kỹ thuật có tính chất chuyên ngành và thảo luận với Bộ Xây dựng, để có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình giá cả thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, phải phối hợp để giải quyết những việc sau khi điều chỉnh đơn giá. Nếu giá tăng thì tổng mức đầu tư, tổng dự toán công trình cũng phải tăng, đó là chưa kể tới chính sách cũng thay đổi như tăng lương chẳng hạn.

Tuy nhiên, bất cập trong thời gian qua là, quy trình điều chỉnh lại tổng dự toán, tổng mức đầu tư lâu nay được làm rất khó khăn và rất chậm, nhất là đối với những dự án gần như phải làm lại toàn bộ. Theo tôi, cần nghiên cứu để đưa ra một hệ số trượt giá như các nước đã làm. Chúng tôi đã xây dựng hệ số này và thống nhất ban đầu với Bộ Xây dựng. Sắp tới, nếu được thông qua thì các dự án sẽ áp dụng hệ số trượt giá này, để đẩy nhanh thời gian điều chỉnh tổng dự toán, cũng như tổng mức đầu tư cho dự án.

 

Theo Đầu tư