Các công ty môi giới “nổ” vang trời !

Cập nhật 08/11/2009 08:35

Nhiều khách hàng bị chủ đầu tư bắt đứng ngoài cửa trong buổi bốc thăm dự án The Green River. Ảnh: K.Long.

Dù nhiều dự án nhà ở vẫn lờ mờ về pháp lý, chưa hoàn thiện hạ tầng, đền bù còn dở dang... song các công ty môi giới vẫn đưa ra chào bán.

Trong lúc thị trường bất động sản TPHCM vẫn còn trong cơn suy thoái do sức mua giảm bởi những e ngại về thuế thu nhập cá nhân thì các thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Long An... bỗng nổi lên như những khu vực đầy tiềm năng có thể giúp các nhà đầu tư hốt bạc tỉ.

Ồ ạt mời gọi mua nhà, đất

Hiện các công ty môi giới nhà, đất đang ồ ạt tung ra các chiêu quảng cáo, khuyến mãi trên khắp các mặt trận từ quảng cáo trên báo, thông qua mạng internet đến các tờ rơi dán trên cột điện... với mục tiêu là khuyến dụ khách hàng móc hầu bao để mua sản phẩm nhà, đất ở các khu đô thị của các tỉnh, thành ven TPHCM.

Công ty Đ.C quảng bá “Tưng bừng ngày hội đầu tư khu đô thị Mỹ Phước 4, tỉnh Bình Dương; kiến trúc thể hiện đẳng cấp, vị trí chiến lược; hàng hiếm số lượng có hạn... với giá chỉ từ 2 triệu đồng/m2”. Cũng đến từ Bình Dương, Công ty Đ.V đưa ra một dự án mới nằm trong khu đô thị Mỹ Phước với mức giá được đưa ra là 1,99 triệu đồng/m2 và khẳng định đây là cơ hội đứng ở “đỉnh sóng” của sự bùng nổ đầu tư vào Mỹ Phước.

Còn Công ty Becamex IJC, đơn vị chào bán dự án The Green River, cũng đăng quảng cáo trân trọng chúc mừng 350 khách hàng đầu tiên đã mua sản phẩm nhà phố và biệt thự thuộc giai đoạn 1 thành công... (!?). Dù pháp lý dự án còn mập mờ, cách bán hàng khá bát nháo song đơn vị này vẫn khuyến dụ khách hàng: “Tâm điểm đầu tư, an toàn – thắng chắc” (?!).

Khách hàng mua nhà đất chưa lường hết những rủi ro từ pháp lý dự án đến hợp đồng chuyển nhượng.

Không chỉ “tấn công” khách hàng thông qua những kênh ở trên, nhiều người phản ánh với chúng tôi, họ được các nhân viên môi giới nhà, đất chèo kéo bằng điện thoại, tin nhắn di động.

Anh Hoàng Ngọc (nhà ở quận 7) cho chúng tôi biết mới 6 giờ, điện thoại của anh đã bị réo với tin nhắn: “Chào mừng ngày 20-11, bán giá ưu đãi cực sốc cho khách hàng, cơ hội sở hữu nền đất ở dự án mới vị trí ngay sát sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai (công trình này chỉ mới nằm trên quy hoạch dự kiến - PV) với giá gốc 2 triệu đồng/m2 (đã có thuế GTGT), thanh toán trước 30%...”.

Từng đầu tư vào một số nền đất tại các dự án ở tỉnh vào thời điểm thị trường còn “nóng” sốt nhưng sau đó phải bán lỗ để trả nợ, anh Trần Thanh (nhà ở quận 3) ngán ngẩm mỗi khi chuông điện thoại di động reo, bởi cứ khoảng 5 - 7 cuộc gọi lại là một cuộc của người môi giới, cò đất giới thiệu mua nhà, đất ở các khu dân cư mới thuộc tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ. Trong đó, dự án mới nhất là nền đất tại khu dân cư trung tâm hành chính huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Dương với nền đất ở mặt tiền đường rộng 40 m chỉ có 1,05 triệu đồng/m2, bao sổ đỏ...

Quá rủi ro


Theo các chuyên gia địa ốc, việc mua nền đất nếu chỉ dựa trên các quảng cáo của các công ty môi giới thì quá rủi ro. Bởi có khá nhiều công ty môi giới chỉ là các loại “cò” cao cấp, kinh doanh hết sức bát nháo. Các công ty này chẳng phải bỏ vốn đầu tư đền bù, san lấp, làm hạ tầng, chẳng phải chạy tới chạy lui làm thủ tục xin dự án... mà vẫn hưởng lợi khá nhiều từ việc mua bán lòng vòng hoặc môi giới cho các dự án quy hoạch khu dân cư.

Đau khổ hơn, nhiều người nắm chắc “một vốn, bốn lời” khi mua đất dự án, nay hoàn toàn suy sụp khi hay tin dự án đã bị thu hồi do chủ đầu tư vi phạm các quy định về Luật Đất đai. Qua những tài liệu chúng tôi có được, trên thực tế có rất nhiều trường hợp đóng tiền góp vốn mua nền đất nhưng cả thời gian dài sau 5-7 năm, đất dự án cũng chỉ là... dự án. Mỗi trường hợp tuy có khác biệt về hình thức nhưng bản chất giống nhau: mua nhà trên giấy, tức là mua “lúa non”!

Về cơ bản, giá nhà, đất khi hoàn thành sẽ cao hơn rất nhiều so với khởi điểm ban đầu, nên nếu trả một lần sẽ ít khách hàng dám đầu tư. Vì vậy việc bán “lúa non” đã đánh trúng tâm lý người mua: ít hay nhiều vốn đều có thể tham gia theo kiểu góp vốn, tiền đóng nhiều đợt.

Do đó, kẻ có tiền sẵn sàng mua sỉ hàng chục, thậm chí hàng trăm nền, còn người ít vốn cũng ráng gồng gánh vay mượn tham gia. Nhưng đi liền với “may” là rủi vì họ đã chấp nhận rủi ro khi đặt toàn bộ niềm tin vào chủ đầu tư, mặc cho chủ đầu tư đó vốn liếng thế nào, uy tín ra sao!

Nội dung hợp đồng phải cụ thể

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, khi dự án đổ vỡ, hợp đồng trở nên vô hiệu, chủ đầu tư chỉ trả lại tiền gốc và cộng thêm phần lãi suất tính theo lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng Nhà nước nên người mua lại không dễ lấy được phần tiền chênh lệch - vốn khá cao - so với giá gốc.

Do vậy, điều không thể không lưu ý là các nội dung trong bản hợp đồng phải được ghi rõ, đầy đủ (phương thức thanh toán, pháp lý của dự án thời gian thanh toán, các điều khoản về trách nhiệm của bên bán, bên mua...). Tất cả những nội dung này là cơ sở để kiện ra tòa nếu một trong hai bên có hành vi vi phạm.

Cẩn thận với mua bán nhà, đất dạng “lúa non”


Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hầu hết các dự án nhà ở hiện nay rơi vào tình trạng “ba dở dang”: Đền bù dở dang, công trình dở dang và dự án dở dang.

Ông Châu cho rằng Nghị định 181 ghi rõ “xây xong nhà mới bán” nhưng sau đó lại chấp thuận cho góp vốn, không khác gì cho phép bán “lúa non”.

Rồi sau này Luật Nhà ở buộc xây xong móng mới huy động vốn, nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định chỉ thu tiền khi “đã bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ”, nhưng trên thực tế việc xử lý chủ đầu tư vi phạm vẫn bỏ ngỏ! Và đương nhiên khách hàng sẽ là người lãnh đủ mọi rủi ro.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động