Hiện nay sinh hoạt của người dân thành phố tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đang dần trở lại bình thường. Đáng lo ngại nhất là nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng, nhiều công trình trọng điểm đã phải ngừng thi công và chưa thể thống kê hết mức độ thiệt hại.
Cần ngay 40 tỷ đồng duy tu đường hư hỏng
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) dự án Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), cơn mưa lũ trên diện rộng kéo dài liên tục từ ngày 30-10 đến nay đã làm cho nhiều tuyến phố bị ngập lụt, cản trở người và phương tiện lưu thông trên đường, đồng thời gây ra nhiều hư hỏng, gây mất an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường.
Cụ thể, tại địa bàn quận Long Biên, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ ngập sâu 0,4 - 0,6m, đường Long Biên, đường Ngọc Lâm bị ngập 0,6 - 0,8m… Trên địa bàn quận Hoàng Mai và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, nhiều đoạn trên đường Định Công nối dài ngập hơn 1m, đường Cầu Bươu ngập hơn 1m, đường Tây Mỗ ngập xấp xỉ 1m.
Đường Giải Phóng đoạn từ Giải Phóng đến Đại Từ cũng bị ngập sâu… Toàn bộ hầm bộ hành trên đường Phạm Hùng và hầm chui cơ giới trên đường Láng - Hòa Lạc đã ngập hoàn toàn. Các tuyến đường Khương Đình (đoạn từ Nguyễn Trãi đến cầu Khương Đình), đường Lĩnh Nam (đoạn từ Lĩnh Nam đến Đền Lừ), đường 70 (từ Hà Đông đến Biển Sắt), đường Yên Hòa (từ Trung Kính đến Phạm Hùng)… đều bị ngập trong nước và bị xói mòn, tạo thành hàng loạt “ổ gà” rất nguy hiểm.
Nhiều tuyến đường thuộc các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình nước vẫn đang ngập sâu, chưa thể xác định được mức độ hư hỏng. Hàng loạt biển báo, dải phân cách bị đổ, xô lệch.
Theo thống kê ban đầu của Phòng Quản lý và Giám sát duy tu (BQL dự án Giao thông đô thị), mức độ thiệt hại là rất lớn. Ông Dương Đức Thái, Giám đốc BQL dự án Giao thông đô thị cho biết, trong thời gian xảy ra mưa lũ, các công ty đã bố trí lực lượng đi kiểm tra các tuyến đường phát hiện hư hỏng, sự cố gây mất an toàn giao thông, đồng thời bố trí lực lượng xử lý sự cố và phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Công an phân luồng giao thông, tránh để người tham gia giao thông sa xuống hồ, ao, cống…
Với các hố ga bị mất nắp, Ban đã kịp thời cho cắm tiêu, cành cây để cảnh báo… Hàng loạt tuyến phố đã kịp thời được duy tu, sửa chữa, như đường Hai Bà Trưng, Cửa Bắc, Lò Đúc, Lạc Long Quân, Ngô Gia Tự…Ước tính sơ bộ, kinh phí duy tu, sửa chữa đường sá sau mưa lũ lên tới 40 tỷ đồng.
Chờ nước rút mới tiếp tục thi công
Một số công trình trọng điểm của thành phố cho đến lúc này vẫn đang chìm trong mưa lũ. Tại công trường thi công nút giao thông Kim Liên, ông Ngô Quý Tuấn, Phó Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển giao thông đô thị Hà Nội (MPMU) cho biết, nhiều đoạn nước ngập sâu tới mặt đường.
Không có thiệt hại về người, nhưng toàn bộ hàng rào đoạn từ đốt hầm U16 đến U18 bị hư hỏng nặng. Hầm bộ hành A bị ngập hoàn toàn, hầm bộ hành B nước ngập 0,2 - 1m. Tại hiện trường, đại diện nhà thầu khẳng định tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà thầu đang chờ nước rút, cố gắng sớm bơm nước ra để tiếp tục thi công ngay khi đủ điều kiện.
Một số công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội như đường Lạc Long Quân, Nguyễn Phong Sắc kéo dài… đều trong tình cảnh tương tự. Cũng theo ông Dương Đức Thái, các nhà thầu chưa thể thống kê được hết mức độ thiệt hại do nước đã ngập kín chân công trình. Chỉ khi nào nước rút, công trình mới có thể tiếp tục thi công. Thời điểm này, các nhà thầu chỉ có thể bố trí người hướng dẫn giao thông để tránh nguy hiểm cho người đi đường.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, kiêm Giám đốc BQL dự án Bảo tàng Hà Nội cho biết, khi có mưa lớn, nhà thầu Vinaconex đã đắp bờ bao ngăn nước, đồng thời có biện pháp gia cố chống sạt lở hố móng.
Tuy nhiên, do mưa lớn cùng với nước ngấm từ dưới lên nên hố móng của công trình bị ngập sâu, nhà thầu đã phải dừng thi công. Hiện tại, phương án sử dụng máy bơm nước ra khỏi hố móng đã được chuẩn bị sẵn sàng, tuy nhiên, do khu vực này vẫn bị cắt điện và nước xung quanh ngập cao nên việc bơm nước chưa thể thực hiện.
Đối với công trường xây dựng, mở rộng đường Láng - Hòa Lạc, theo ông Nguyễn Văn Tố, Chánh Văn phòng Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), nhiều đoạn đã bị ngập sâu, việc thi công phải tạm dừng chờ đến khi nước rút. Thiệt hại cho đến nay chưa thể thống kê được.
Tại công trường thi công đường Vành đai 3 và đường dẫn cầu Thanh Trì, tình hình cũng rất khó khăn. Theo Phó Tổng Giám đốc BQL dự án Thăng Long (Bộ GTVT) Phạm Thanh Bình, đến ngày 4-11, đường Pháp Vân vẫn ngập nặng, các phương tiện chưa thể đi lại. Ban đã chỉ đạo các nhà thầu chuẩn bị vật liệu để “vá” những ổ gà lớn ngay khi nước rút nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Về công tác thi công, hiện nay các nhà thầu vẫn chưa đánh giá được thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra. Điều duy nhất có thể khẳng định là tiến độ các công trình bị ngập nước sẽ chậm hơn so với tiến độ dự kiến 15-30 ngày. Được biết, khi nước rút không thể thi công ngay mà phải đợi nền đường khô mới tiếp tục công việc.
Theo ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc BQL dự án Hạ tầng Tả ngạn, công trình thi công cầu Vĩnh Tuy do ở trên cao nên cho tới thời điểm này chưa có thiệt hại về người và tài sản. Riêng gói thầu 15 phía quận Long Biên (đường từ cầu đấu nối với Quốc lộ 5) bị ngập một chút, nhưng cơ bản vẫn an toàn. Phía quận Hai Bà Trưng không bị ảnh hưởng. Hiện, các nhà thầu Tổng công ty Công trình giao thông, Công ty 319 đã triển khai thi công ngay khi ngớt mưa. khi mưa tạnh hẳn, các nhà thầu sẽ tập trung thi công để bảo đảm tiến độ dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới