Bùng phát xây dựng trái phép

Cập nhật 16/03/2017 10:10

Tình trạng xây dựng trái phép đang diễn ra khá phức tạp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Để bảo đảm kỷ cương, dư luận đang rất mong những động thái xử lý “mạnh tay” của các cấp chính quyền TP. Đà Nẵng.

Xuất hiện nhiều  “điểm nóng”

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây vấn nạn xây dựng trái phép lại đang bùng phát trở lại trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Tình trạng này gây bức xúc cho dư luận, cũng đồng thời đặt ra những câu hỏi về công tác quản lý xây dựng của các cơ quan chức năng trên địa bàn.

Mới đây, dư luận ở địa phương giật mình khi phát hiện có cả một khu phố được xây dựng theo lối kiến trúc nước ngoài nằm trên địa bàn phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Theo đó, trên lô đất được bao bọc khá kín của Công ty Việt May nằm trên đường Phạm Hùng, thuộc địa bàn phường Hòa Xuân, lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng phát hiện một công trình xây dựng và cải tạo không được cơ quan chức năng thẩm quyền cấp phép. Chủ đầu tư công trình trái phép này là Công ty TNHH Liên hợp Thế Duy, trụ sở tại TP. Đà Nẵng đã thuê đất của Việt May rồi cải tạo xây dựng thành công trình trung tâm giới thiệu trà và đặc sản.

Khu vực xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà

Điều đáng nói, công trình xây dựng, cải tạo không phép có kiến trúc xây dựng giống nhà ở của người Trung Quốc, được thi công lén lút, nằm kín đáo trong khu vực nhà kho của Việt May. Bước đầu, vụ việc có dấu hiệu người nước ngoài “núp bóng”, doanh nghiệp trong nước để đầu tư xây dựng các công trình kinh doanh trái phép.

Bởi, vào thời điểm công an quận Cẩm Lệ cùng các lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm tra tại hiện trường đã phát hiện đoàn 5 người nước ngoài gồm: bà Lin LiYun, quốc tịch Trung Quốc, bà Huang Wen Yi, ông Chen Xin Hong, ông Lin Sheng Yu và ông Hsieh Chih Wel quốc tịch Đài Loan đang có mặt tại đây. Thực tế, việc xuất hiện của nhóm người nước ngoài này, đã khiến nhiều người  đặt nghi vấn, đây mới là chủ đầu tư thực sự của dự án.

Trước đó, cũng trên địa bàn TP. Đà Nẵng khi được giao khoán đất rừng ở bán đảo Sơn Trà theo Nghị định 01 của Chính phủ, nhiều hộ dân cũng đã xây dựng nhà trái phép để ở, mở hàng quán kinh doanh du lịch…

Theo đó, có 68 trường hợp xây dựng trái phép trên đất rừng cũng như mở dịch vụ kinh doanh du lịch trái phép. Trong đó, có thể kể đến hộ bà Lê Thị Tiến kinh doanh ăn uống, có 3 nhà trệt xây dựng và lán trại; hộ ông Phạm Hùng Mạnh kinh doanh khu du lịch sinh thái, có 5 nhà trệt xây gạch, chòi gỗ lợp lá; hộ ông Lê Hùng xây dựng vườn rừng có 3 nhà trệt xây gạch. Thậm chí, ở khu vực còn có cả những ngôi nhà biệt thự được xây dựng khá kiên cố, cửa đóng then cài thách thức dư luận.

Cũng trên địa bàn quận Sơn Trà, mới đây nhất là thông tin về một dự án tổ hợp, khách sạn to vật vã nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, mặc dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn thi công đến tầng 9. Dư luận bức xúc, dự án này có “tay đỡ” hay không mà liều lĩnh, bất chấp pháp luật đến như vậy?

Ngoài các “điểm nóng” nói trên, còn có thể dễ dàng kể ra nhiều khu vực khác cũng đang nhức nhối với vấn nạn xây dựng trái phép ở Đà Nẵng. Từ đầu năm 2017 đến nay, khi có thông tin nhà ga mới, rồi dự án cảng biển sẽ được di dời lên địa bàn quận Liên Chiểu, kéo theo tình trạng xây nhà trái phép trong vùng quy hoạch, chờ giải tỏa, tái định cư đã âm thầm lén lút xảy ra. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng chục trường hợp xây dựng trái phép.

Tương tự, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, nơi có dự án làng đại học Đà Nẵng “treo” xuyên qua 2 thế kỷ. Thế nhưng, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tái khởi động lại dự án quan trọng này, chính quyền địa phương cũng đang lo lắng tình trạng xây dựng trái phép, để được hưởng đền bù sẽ bùng phát trong thời gian tới.

Sẽ xử lý “mạnh tay”?

Có thể nói, tình trạng xây dựng trái phép đang diễn ra khá phức tạp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Để bảo đảm kỷ cương, dư luận đang rất mong những động thái xử lý “mạnh tay” của các cấp chính quyền TP. Đà Nẵng.

Xung quanh việc xử lý các công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà, mới đây UBND Thọ Quang, đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ căn nhà của ông Võ Thanh Điệp. Căn nhà này được xây dựng trái phép tại khu vực Suối Đá.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, đây là một trong số 68 công trình xây dựng trái phép mà lãnh đạo thành phố đã có ý kiến chỉ đạo phải tháo dỡ. Cũng theo ông Hùng, dù ai vi phạm thì UBND quận Sơn Trà sẽ kiên quyết xử lý, nếu người dân không tự tháo dỡ sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo đúng quy định của pháp luật.

Tương tự, đại diện lực lượng Kiểm lâm TP. Đà Nẵng cũng cho biết, Cục Kiểm lâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan lên phương án, kiên quyết xử lý những công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, đến cuối tháng 9/2017, sẽ giải quyết dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép.

Quay trở lại vụ việc xây dựng trái phép có yếu tố nước ngoài trên địa bàn quận Cẩm Lệ, theo đại diện chính quyền địa phương, việc Công ty Việt May cho thuê, cải tạo không xin phép là vi phạm quy định, với hành vi vi phạm “Xây dựng công trình khác không có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Mới đây, trong cuộc làm việc với các cơ quan báo chí, ông Bùi Đăng Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Liên hợp Thế Duy, thừa nhận những sai phạm khi thi công công trình mà không xin phép cơ quan chức năng. Với sự việc này, do thẩm quyền cấp phép thuộc về Sở Xây dựng thành phố, nên UBND quận Cẩm Lệ đã báo cáo để sở cho ý kiến. Nếu Sở Xây dựng không đồng ý cấp phép, các lực lượng chức năng ở địa phương sẽ buộc chủ đầu tư phải tiến hành tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, cho hay Thanh tra Sở này đang vào cuộc để tiến hành kiểm tra, hiện tại công trình đã dừng thi công. Các lực lượng chức năng của địa phương đang giám sát chặt việc dừng thi công xây dựng của chủ đầu tư dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng