Đã có tổng cộng hơn 517.000 m2 mặt sàn bán lẻ, song trong 3 năm, nguồn cung tại TP HCM có thể tăng gấp đôi, khi khu Đông xuất hiện các dự án lớn, ăn theo các dự án nhà ở và tuyến Metro số một.
Khảo sát của VnExpress, diện tích sàn mặt bằng bán lẻ của các khu đô thị và trung tâm mua sắm tại các quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh đang tăng nhanh, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2015 đến năm 2018.
Trong quý I/2015, Vincom Thủ Đức đã khai trương cung cấp gần 28.000 m2 sàn bán lẻ cho trục phía Đông. Không dừng lại ở đó, tại quận 2, tập đoàn này cũng công bố đầu tư vào khối đế của dự án Masteri để phát triển 120.000 m2 sàn thương mại cho khu Vincom Mega Mall Thảo Điền.
Ở quận Bình Thạnh, địa bàn cũng nằm trong trục phát triển phía Đông TP HCM, Vingroup có dự án Vinhomes Central Park cũng được kiến tạo thành một thành phố tiện ích thu nhỏ với nhiều khu mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí trên diện tích lên đến 59.000m2.
Quận 2 đang là điểm hẹn bùng nổ các cụm trung tâm mua sắm. Tại Khu phức hợp Cantavil An Phú, Parkson có tổng diện tích mặt bằng thương mại lên đến 17.815 m2. Trong vòng 12 tháng tới Pearl Plaza sẽ đưa gần 21.000 m2 sàn bán lẻ ra thị trường.
Phố Đông Sài Gòn hứa hẹn sẽ bùng nổ một khu thương mại quy mô lớn trong 3 năm nữa. Ảnh: Vũ Lê |
Cách đó không xa, Thảo Điền Pearl cũng chuẩn bị công bố 20.400 m2 ngành dịch vụ này trong năm 2016. Cùng thời điểm này khối đế thương mại của The Sun Avenue, Lexington Residence cũng sẽ đi vào hoạt động. Riêng khu căn hộ Estella Height (giai đoạn 2 của dự án Estella) hứa hẹn sẽ cung cấp cho khu Đông hơn 37.000 m2 bán lẻ.
Đó là chưa kể đến hàng loạt đại gia có quỹ đất lớn ở khu Đông như: Keppel Land (quận 2), Đại Quang Minh (gần Thủ Thiêm), Thủ Đức House (quận 9 và Thủ Đức), Khang Điền, Nam Long, Gia Hòa (quận 9)... đều tính đến dành một phần dự án để bố trí các khu thương mại.
Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, Dương Thùy Dung nhận xét, phía Đông TP HCM đang xuất hiện trung tâm bán lẻ mới với tốc độ nhanh và quy mô ngày càng lớn dần. Các khu bán lẻ này sẽ là đối trọng nặng ký với khu vực trung tâm thành phố và khu Nam Sài Gòn.
Theo bà Dung, sự xuất hiện của các đại gia bán lẻ quốc tế: Thái Lan, Nhật cùng với sự bành trướng của Vingroup và các nhà bán lẻ nội địa ở khu vực phía Đông Sài Gòn đã làm cuộc đua giành thị phần này tăng nhiệt. "Trong quý I/2015 giá mặt bằng bán lẻ đã nhích nhẹ, cho thấy tín hiệu thoát đáy và hứa hẹn một năm khởi sắc", bà Dung dự báo.
Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực cho biết: "Hạ tầng bùng nổ và sự xuất hiện của tuyến Metro số một đang tác động rất lớn đến trường bất động sản TP HCM nói chung và các khu thương mại mua sắm ở khu Đông Sài Gòn nói riêng".
Theo ông Đực, sự bùng nổ các khu bán lẻ ở phía Đông là điều tất yếu. Bởi lẽ với phương tiện di chuyển hiện đại như metro: không ô nhiễm khói bụi, không kẹt xe, nhanh, an toàn càng hút dân về đây sinh sống nhiều hơn đồng thời kích thích khu thương mại ở địa bàn này phát triển mạnh mẽ.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress