Nguồn cung bất động sản tăng nhanh, nhất là phân khúc cao cấp nên nhiều ý kiến cho rằng, việc cạnh tranh để lấy khách sẽ buộc chủ đầu tư phải giảm giá.
Thời gian vừa qua chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt dự án bất động sản trung và cao cấp, khiến cho phân khúc này trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các chủ đầu tư.
Mời đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) đã đưa ra dự báo giao dịch căn hộ trong quý 2 này sẽ tốt hơn ba tháng đầu năm bởi sắp tới một số dự án của các chủ đầu tư có thương hiệu như Vingroup, Eurowindow…
Giá bất động sản liệu có giảm? (Ảnh: Châu Anh) |
Cụ thể, tại Hà Nội, từ nay đến cuối năm, lượng hoàn thành mới dự kiến đạt hơn 30.000 căn, với một nửa số đó là phân khúc nhà trung cấp, đặc biệt là khu vực phía Tây và Tây Nam dự kiến sẽ vẫn tiếp tục thống lĩnh nguồn cung. Các khu vực khác như Tây Hồ hay Đống Đa – Ba Đình cũng dự kiến chào đón thêm các dự án chất lượng. Và phần lớn các dự án hiện nay đặt tại khu vực ngoài trung tâm.
Còn theo dự báo của Savills, sẽ có khoảng 40.800 căn hộ sẽ gia nhập thị trường trong năm nay, phần lớn là căn hộ ở phân khúc trung bình từ các quận ở khu vực phía Tây như: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân.
Hay nhận định của JLL cho thấy, lượng căn hộ hoàn thành mới dự kiến đạt hơn 30.000 căn trong ba quý tới, với hơn 50% trong số đó đến từ phân khúc căn hộ trung cấp. Lượng mở bán mới được kỳ vọng đạt trên 35.000 căn cho đến hết năm và sẽ sôi nổi ở tất cả các phân khúc, kỳ vọng vào sự tăng trưởng ở cả hai xu hướng mua đầu tư và để ở.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhìn toàn cục thị trường bất động sản thì vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Điều này khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các chủ đầu tư trong phân khúc này là rất lớn.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết năm 2016, các phân khúc đều phát triển mạnh mẽ; trong đó, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp và bất động sản du lịch.
Chính vì vậy, hiện nay, thị trường đang dư thừa nguồn cung này mà lại thiếu nguồn cung nhà cho người thu nhập thấp. Trong khi các chủ đầu tư quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp thì 70% nhu cầu của thị trường lại là phân khúc nhà ở trung bình trở xuống. Quan trọng hơn, hiện nay, phân khúc nhà ở thương mại có giá khoảng 15 triệu đồng/m2 đang khá hiếm trên thị trường.
Ông Hà cũng ghi nhận, một trong những lý do khiến doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở bình dân là do biên độ lợi nhuận của phân khúc này thấp.
Với nguồn cung căn hộ cao cấp "khủng" như vậy, ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng cho biết, khi nguồn cung thị trường lớn, cũng đồng nghĩa thị trường sẽ có sự cạnh tranh về giá.
Giá nhà đất cũng như các loại hàng hóa khác, được điều tiết theo cơ chế thị trường, khi nguồn cung dồi dào, cung vượt cầu thì các chủ doanh nghiệp sẽ buộc phải giảm giá bán để cạnh tranh. Khi đó, người mua nhà sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội, hiện thị trường mới có dấu hiệu chững lại, chứ chưa đi xuống, lãi suất cho vay bất động sản vẫn cao, vì thế giá nhà có thể sẽ không tăng như năm 2015 và 2016, chứ chưa thể giảm.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News