Bức thiết nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp

Cập nhật 18/06/2014 08:58

Công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) tập trung là đối tượng cần ưu tiên chăm lo, nhất là chăm lo về nhà ở. Khi không có chỗ ở ổn định thì chắc chắn công việc của họ cũng không thể ổn định.


Công nhân lao động tại các KCN là những người không có nhiều tiền, cũng ít có nhu cầu mua nhà. Họ là dân nhập cư đến từ các địa phương khác nhau để làm tại các KCN, chế xuất. Phần lớn họ ở trọ tại các ngôi nhà cấp 4 do dân tự xây dựng xung quanh đó để làm việc vài năm rồi lại về quê. Do đó, đây chính là đối tượng cần chăm lo về nhà ở nhất và giải pháp nào chăng nữa thì cũng nên hướng tới thực tế này.

Trong nhiều năm qua, rất nhiều giải pháp cho nhà ở công nhân đã được đưa ra như bố trí nguồn vốn ưu đãi, tạo ra nhiều mô hình phát triển như nhà ở cho thuê; nhà ở phúc lợi của doanh nghiệp; nhà ở dân doanh… Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, đặc biệt có chính sách cho các hộ dân xây nhà cho thuê được vay vốn ưu đãi để cải tạo nhà ở… Tuy nhiên thực tế nhà ở dành cho công nhân tại các KCN tại một số địa phương vẫn còn là vấn đề bức thiết hiện nay.

Quảng Ninh nhà ở công nhân như “muối bỏ bể”

Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 11 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thu hút khoảng 8.000 lao động trong và ngoài tỉnh làm việc. Tuy nhiên, số lượng lao động được bố trí chỗ ở ổn định mới được khoảng trên 3.000 người, còn lại là phải thuê trọ ngoài hoặc ở nhờ nhà người quen.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong 11 KCN của tỉnh hiện có 4 KCN đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư (KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng, KCN Đông Mai và KCN Hải Yên); 2 KCN đang trong giai đoạn GPMB (KCN - Cảng biển Hải Hà và KCN Phương Nam); 1 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết (KCN Hoành Bồ); 4 KCN hiện đang thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư (KCN Quán Triều, KCN Dịch vụ Đầm Nhà Mạc, KCN Tiên Yên, KCN phụ trợ ngành Than).

Điều đáng nói là trong 4 KCN có nhà đầu tư thứ cấp thuê đất thì tính đến thời điểm này, mới có KCN Hải Yên (TP Móng Cái) là cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho công nhân.

Nguyên nhân chính là năm 2012, tỉnh đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) thông qua việc điều chỉnh quy hoạch, giao 4ha đất cho Cty tự triển khai đầu tư xây dựng 5 khối nhà chung cư nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho gần 5.000 công nhân. Hiện Cty đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng 4/5 khối nhà.

Trong khi đó, KCN Cái Lân mặc dù có tỷ lệ lấp đầy cao nhất (đạt 99%) với tổng số 58 dự án đang hoạt động và có khoảng 5.200 công nhân đang làm việc thì hiện có tới 5.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Năm 2012, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình trọng điểm lập Dự án phát triển nhà ở xã hội - nhà ở công nhân cho KCN Cái Lân. Đến nay, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình trọng điểm đã trình duyệt xong quy hoạch chi tiết, đang triển khai lập dự án chuẩn bị đầu tư. Dự kiến sẽ đầu tư 4 toà chung cư cao tầng với tổng diện tích sàn khoảng 18.000m2, đáp ứng cho khoảng gần 900 người.

Như vậy nếu dự án này hoàn thành thì số lượng CN được đáp ứng nhu cầu về nhà ở vẫn chỉ như “muối bỏ bể”, vì theo dự kiến của các ngành chức năng, giai đoạn 2015-2020 sẽ có khoảng 11.000 công nhân tập trung ở KCN này.

Bắc Ninh - Nhu cầu về nhà ở cho công nhân ngày càng tăng

Với số lượng công nhân hơn 152 nghìn công nhân người đang làm việc tại các KCN tập trung, trong đó có hơn 72.300 công nhân có nhu cầu thuê nhà để ở đang đặt ra vấn đề bức thiết chỗ ở cho công nhân hiện nay tại Bắc Ninh.

Trong khi quỹ nhà ở đô thị tuy có gia tăng đáng kể nhưng nhà ở dành cho các đối tượng là người lao động tại các KCN tập trung còn hạn chế và để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động ngày càng trở lên bức thiết.

Theo khảo sát, điều tra của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 152 nghìn công nhân đang làm việc tại các KCN tập trung, trong đó hơn 75.000 công nhân (chiếm khoảng gần 50%) có nhu cầu thuê nhà để ở, trung bình hàng năm số lao động và nhu cầu ở tăng 20-25%.

So sánh mức thu nhập và nhu cầu về nhà ở công nhân cho thấy, đối với công nhân làm việc trong KCN, mức thu nhập bình quân khoảng 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi trả tiền nhà từ lương khoảng 700.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức thu nhập bình quân và khả năng tích lũy của công nhân KCN so với giá nhà trên thị trường có sự chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên do số lượng nhà ở cho công nhân trong các KCN không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên đại bộ phận người lao động trong các KCN phải thuê nhà bên ngoài với diện tích chật chội và chi trả các dịch vụ khác như điện, nước cao hơn nhiều lần so với các hộ thông thường, bên cạnh đó còn phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự...

Các giải pháp và thực tế hiện nay

Qua khảo sát thực tế nhiều năm ở các KCN cho thấy, do thiếu thốn về nhà ở, hàng nghìn công nhân đã phải thuê nhà trọ bên ngoài với điều kiện sinh hoạt đa phần là thiếu thốn, chật chội và tạm bợ, đó là chưa kể đến vấn đề an ninh ở các khu trọ còn khá phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các KCN luôn rơi vào tình trạng mất ổn định.

Để giữ chân công nhân, không ít các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng với số tiền trung bình từ 200.000-600.000 đồng/người. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề và nhiều doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động vẫn gặp không ít khó khăn.

Được biết, để bảo đảm quyền lợi và hỗ trợ thiết thực cho đời sống người lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngay từ năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3317/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh hàng năm và đến năm 2010”.

Tiếp đó, cuối năm 2012, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ như: Miễn tiền sử dụng đất, thuê đất trong phạm vi dự án; được áp dụng thuế suất ưu đãi; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động... UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 3477 về việc hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian xây dựng.

Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân, đặc biệt ở các KCN còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vì trong quá trình phát triển xây dựng KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở.

Theo “Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” vừa được Sở Xây dựng công bố, dự kiến đến năm 2015 tỉnh sẽ xây được 6.581 căn nhà cho công nhân với diện tích 306.936m2 với số vốn đầu tư dự kiến 2.211,54 tỷ đồng; đến năm 2020 sẽ xây dựng 9.874 căn nhà cho công nhân, diện tích 473.904m2, số vốn đầu tư dự kiến 3.317,35 tỷ đồng.

Về phía tỉnh Bắc Ninh, ông Ngỗ Sỹ Bích, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hiện đã 6 dự án nhà ở công nhân đầu tư xây dựng, trong đó 4 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án khu nhà ở công nhân KCN Quế Võ do Cty TNHH Quản lý bất động sản Sông Hồng làm chủ đầu tư, tổng diện tích sàn xây dựng 32.850m2, đáp ứng nhu cầu ở cho 4.500 công nhân; dự án nhà ở công nhân nhà máy Samsung (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư hơn 312 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu ở cho 6.000 công nhân; dự án KCN Tiên Sơn do TCty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera) đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đáp ứng cho 2.000 công nhân ở và hiện đang thi công giai đoạn 3 đáp ứng 6.800 công nhân ở, dự kiến hoàn thành quý II/2014; tại KCN Yên Phong, Viglacera đầu tư hơn 305 tỷ đồng dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu ở cho gần 5.000 người.

Ngoài ra, hiện có hai dự án nhà ở công nhân đang trong gia đoạn chuẩn bị đầu tư và thi công tại KCN Quế Võ sẽ đáp ứng cho khoảng 5.000 lao động sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Với số lượng các dự án đã xây dựng mới đáp ứng chỗ ở cho khoảng 26.600 người, chiếm khoảng 35% số lao động có nhu cầu thuê nhà ở, hiện vẫn còn khoảng 65% công nhân có nhu cầu thuê nhà ở phải thuê trọ trong các khu dân cư lân cận.

Với tốc độ thu hút đầu tư và giải ngân vốn của các dự án trong các KCN tập trung thì số lượng lao động thu hút hàng năm tăng từ 15 đến 17 nghìn lao động, do vậy nhu cầu thuê nhà ngày càng tăng, đòi hỏi tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở công nhân nhiều hơn nữa. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh có 50% số công nhân có nhu cầu thuê nhà ở trong các dự án nhà ở công nhân, với diện tích tối thiểu là 7m2 người.

Mặc dù đã có một số dự án đầu tư nhà ở cho công nhân được triển khai và đưa vào sử dụng nhưng với số lượng lao động thu hút hàng năm ngày càng lớn vào các KCN tập trung của tỉnh, nhu cầu thuê nhà vẫn ngày càng tăng.

Thiết nghĩ, để giải quyết được các vấn đề đặt ra, các cấp, ngành, địa phương cần rà soát quỹ đất thực hiện, tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục cấp phép xây dựng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở công nhân nhiều hơn nữa. Có như vậy mới hấp dẫn được các nhà đầu tư, từng bước giải quyết nhu cầu bức thiết của công nhân về nhà ở tại các KCN.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng