Một dự án nhưng qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư vẫn chưa “ra hình ra dáng”, khiến người dân sống tại khu vực thấp thỏm chờ đợi và chịu đựng.
Nhà dân tơi tả, môi trường ô nhiễm giữa lòng khu phố 5, P.Tân Thuận Đông, Q.7 (TP.HCM) - Ảnh: N.Hà |
Một trong những dự án như vậy là khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc với tổng diện tích 423ha, thuộc các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Theo chủ đầu tư hiện nay là Công ty cổ phần Sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc, tổng vốn đầu tư cho dự án dự kiến 2.500 tỉ đồng, gấp 60 lần so với số vốn TP.HCM duyệt ban đầu.
Năm 1996 UBND TP.HCM quyết định cải tạo vùng trũng phèn Vĩnh Lộc thành khu sinh thái văn hóa, và Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn được giao làm chủ đầu tư dự án. TP đề ra tiến độ đến năm 1998 phải hoàn thành. Nhưng chưa đến một năm, TP chuyển giao dự án cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh (nay là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh). Đơn vị này trong năm năm đã đền bù được cho 17 hộ dân với diện tích 11ha nhưng sau đó “giậm chân tại chỗ”.
Đầu năm 2002, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn tiếp nhận dự án. Sáu năm sau khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc vẫn chưa rõ hình hài. UBND huyện Bình Chánh đã kiến nghị TP thu hồi dự án nhưng TP khẳng định vẫn triển khai. Giữa năm 2008, UBND TP chấp thuận cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn liên doanh để thành lập Công ty cổ phần Sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc. Đây là chủ đầu tư “đời thứ bốn” của dự án.
Đành bán giấy tay
Ông Huỳnh Văn Dói, ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, nói khó thống kê hết được những thiệt hại mà khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng phải gánh chịu trong vòng 13 năm qua do dự án chậm triển khai. Nhà ông có lúc cần tiền cho người con trai mổ tim, cầm sổ đỏ lên nhờ UBND xã xác nhận để vay tiền ngân hàng, nhưng cán bộ xã nói đất nằm trong quy hoạch dự án không xác nhận thế chấp được.
“Toàn bộ 15.000m2 đất đều nằm trong quy hoạch dự án, chẳng lẽ chịu bó tay để con chết”, nghĩ vậy nên ông cắt một phần đất để bán. Nhưng đất nằm trong quy hoạch dự án muốn bán cũng không phải chuyện dễ dàng. Bán trọn thửa thì chính quyền địa phương mới xác nhận nên ông chấp nhận bán bằng giấy tay với giá rẻ.
Ông Trần Trọng Tuấn, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết nhiều năm qua dự án triển khai chậm do một số chủ đầu tư không có năng lực nên quyền lợi của người dân trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay chủ đầu tư mới đang tiến hành các bước thủ tục, nhiều khả năng trước Tết Nguyên đán sẽ công bố phương án bồi thường cho dân biết. Theo kế hoạch, trong năm 2010 sẽ hoàn tất việc đền bù.
Quy hoạch chồng quy hoạch
Tháng 9 vừa qua chúng tôi trở lại khu vực thuộc khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7, nơi từng là dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3. Cái tin UBND TP chỉ đạo ngừng dự án này vì kinh doanh không có hiệu quả đã đến đây được hơn một tháng. Người dân chưa hết vui với chuyện này thì lại có thông tin một dự án mới sẽ thực hiện trên chính khu vực cũ.
Khu dân cư ở khu phố 5 có vẻ bề ngoài lụp xụp, tạm bợ. Những con hẻm cong queo len lách qua các dãy nhà chỉ đủ một chiếc xe máy chạy qua. Con mương thoát nước phía cuối xóm ngập ngụa rác, nước kênh chỉ cách bờ vài tấc, chỉ cần một cơn mưa nhỏ là cả xóm bì bõm trong nước. Ông Lê Song An, trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7, giải thích vì thời gian qua khu vực trên thuộc dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3, chủ đầu tư đang bồi thường giải tỏa nên chính quyền không đầu tư hạ tầng. Dự án này đã có quyết định thu hồi đất của Thủ tướng từ năm 2000.
Phòng Quản lý đô thị quận 7 cho biết: UBND TP ngừng dự án mở rộng cảng Bến Nghé giai đoạn 3 nhưng do đây là dự án Thủ tướng ra quyết định thu hồi đất, phải chờ Thủ tướng hủy quyết định này nên chưa thể xóa “treo” cho khu dân cư này được. Tuy nhiên, TP đã chấp thuận chủ trương cho quận lập quy hoạch mới tại khu vực trên và đang trình UBND TP xem xét, do vậy chưa thể công bố chính xác cho dân biết. Trước mắt, quận sẽ chỉnh trang, nạo vét mương cống thoát nước, đầu tư hạ tầng cho khu vực.
Xóa dự án nhà ra dự án đường
Khoảng một năm trước bà con khu phố 3, phường Phú Thuận, quận 7 cũng nhận được thông tin UBND TP.HCM thu hồi quyết định giao đất cho dự án của Công ty TNHH liên doanh Lee & Co VN. Nguyên khu vực rộng 6,5 ha tại khu phố 3 này được UBND TP giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng điện Sài Gòn từ năm 2004 để làm nhà ở.
Từ ngày công ty này họp dân thông báo về dự án, bà con ở đây chờ hai năm rồi ba năm, dự án mấy lần thay đổi chủ đầu tư nhưng người dân vẫn quanh đi quẩn lại với những khó khăn cũ: không được nhập hộ khẩu, con cái đi học xa, đồng hồ điện, nước cũng không được gắn, đường sá lầy lội...
Tháng 8-2008, UBND TP thu hồi các quyết định tạm giao đất trước đó và chấm dứt dự án. Bà con khu phố 3 chuẩn bị xin giấy phép xây dựng, làm giấy tờ nhà, đất. Bà Lê Thị Ngọc Phượng, một hộ dân tại đây, đến yêu cầu UBND Q.7 xác nhận trên sổ hồng là khu vực đất nhà bà không còn thuộc dự án phải giải tỏa để bán nhà.
Tuy nhiên, UBND quận xác nhận: “Theo quy hoạch chi tiết 1/2.000 được hội đồng xét duyệt quy hoạch Q.7 thông qua: vị trí nhà thuộc đường dự phóng”. Hỏi ra bà mới biết theo quy hoạch dự kiến của quận 7, khu vực này có đường dự phóng rộng 24m, ảnh hưởng khoảng 90 căn nhà. Sau một thời gian khiếu nại, bà Phượng cũng được UBND quận 7 xác nhận trên trang bổ sung của giấy hồng là nhà thuộc khu vực chưa có quy hoạch chi tiết.
Ông Lê Song An, trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7, giải thích: “Quy hoạch đường rộng 24m đi ngang khu vực này đã được hội đồng quy hoạch Q.7 thông qua trước khi giao đất cho chủ đầu tư làm dự án. Tuy nhiên do tuyến đường dự phóng này nằm trong dự án nên chỉ có chủ đầu tư biết. Nay dự án nhà ở không còn nhưng quận phải quản lý quy hoạch theo đồ án đã được hội đồng quy hoạch quận thông qua”.
Quy hoạch hơn 30 năm
Tìm đến P.3, Q.11, những người dân nơi đây cho rằng khu vực này là một trong những nơi có “tuổi thọ treo” lâu nhất ở TP.HCM. Theo ông Lữ Sơn, tổ trưởng một tổ dân phố, khu quy hoạch 5,8ha này có từ năm 1977. Đây là khu quy hoạch mở rộng công viên văn hóa Đầm Sen nhưng sau này chủ đầu tư không tiếp tục đầu tư và chuyển về cho Q.11. Quận giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh xây dựng khu chung cư. “Mấy năm nay thấy chủ đầu tư đo vẽ và hứa tái định cư nhưng dân chờ hoài chưa thấy đâu”, ông Sơn nói. Theo quy hoạch, khoảng 400 hộ ở các tổ 20, 21, 22 sẽ phải di dời. Ông Nguyễn Hoàng Thái, phó chủ tịch UBND Q.11, thừa nhận ông có hứa sẽ đưa dự thảo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để lấy ý kiến đóng góp của dân vào cuối quý 3-2009. Tuy nhiên, do quy định mới về bồi thường giải tỏa có lợi nhiều hơn cho người dân nên quận thống nhất đợi để áp dụng quy định mới cho dự án này.
>>Kỳ 1: Nhà bán rẻ chẳng ai mua
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO