Bơm vốn cho dự án khả thi

Cập nhật 05/05/2014 10:38

Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế các nước đã trải qua thời gian khó khăn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nợ xấu, lạm phát cao và lãi suất tăng đã kìm hãm sự phát triển kinh tế Việt Nam, đây cũng là vấn đề nhiều quốc gia gặp phải. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục. Và điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường BĐS.


Thí dụ, lãi suất ngân hàng giảm đã góp phần tăng niềm tin nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho người mua nhà. Những nỗ lực của Chính phủ và ngân hàng trong giải ngân gói 30.000 tỷ đồng và đề xuất gói vay 50.000 tỷ đồng được đánh giá cao. Tuy nhiên, theo tôi số vốn này nên bơm vào những dự án khả thi - những dự án chủ đầu tư có khả năng hoàn thiện và tiêu thụ sản phẩm.

Để làm được điều này phải lường trước và đánh giá đúng khả năng tiêu thụ của thị trường. Theo đó, nhìn vào các phân khúc của BĐS hiện nay, từ văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ đến căn hộ dịch vụ có diễn biến khác nhau. Trong đó, BĐS bán lẻ là bức tranh sáng nhất do nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ đang trên đà phục hồi, đẩy cao giá thuê, đặc biệt tại TPHCM và Hà Nội.

Trong khi đó, giá thuê văn phòng hạng A trong khu vực trung tâm tại các TP lớn đang giảm. Ở phân khúc căn hộ, căn hộ cao cấp và nhà ở xã hội là 2 mảng sôi động nhất hiện nay, trong khi phân khúc trung cấp khá trầm lắng. Phân khúc này nhiều khả năng sẽ tăng dần giá bán, nhưng với việc lãi suất giảm, tình hình khả quan sẽ quay trở lại và chúng ta sẽ được chứng kiến thị trường phục hồi vào cuối năm. Nhìn chung, thị trường năm nay sẽ khởi sắc hơn nhiều so với năm 2013.

Điều cần lưu ý hiện nay là nhà đầu tư đến và tìm hiểu thị trường BĐS Việt Nam thường xem xét các khía cạnh để đầu tư trong trung và dài dạn, có thể là tầm nhìn trong 5 năm hoặc dài hơn, thậm chí tầm nhìn trong 20 năm khi điều kiện cơ sở hạ tầng Việt Nam phát triển. Điểm mạnh của Việt Nam là kết cấu dân số trẻ, kỳ vọng là con át chủ bài trong vòng 7 năm tới mà nhà đầu tư đang ngấp nghé vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Tôi đã trao đổi với nhà đầu tư tại Singapore, Hồng Công và các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấy rằng 2-3 năm trước Việt Nam không phải là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể trong vài năm trở lại đây. Vì thế nhà đầu tư đang xem xét các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, cân nhắc các danh mục đầu tư. Thí dụ, Cushman & Wakefield nhận thấy ngoài xu hướng đầu tư phân khúc nhà ở, cũng đang có xu hướng đầu tư vào BĐS có dòng tiền đảm bảo (BĐS đang hoạt động).

Arsh Chaudhry, Giám đốc điều hành Cushman  & Wakefield Đông Á

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư