“Bơm” tiền cứu bất động sản?

Cập nhật 12/11/2008 14:00

Lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng theo giới kinh doanh địa ốc, từng đó vẫn chưa đủ. Họ mong chờ Nhà nước có những biện pháp mạnh hơn nữa, bơm tiền vào lưu thông để cứu bất động sản.

Người bán khổ, người mua đau

Trước Tết âm lịch vừa rồi, nhờ mối quen biết riêng, chị Hoa Linh ở Cầu Giấy (Hà Nội) đầu tư gần 18 tỷ đồng vào đất ở dự án Nam An Khánh. Những lô chị mua được toàn là những suất đất ưu tiên có vị trí đẹp, giá chỉ 18 triệu đồng/m², mức giá được coi là rất hời vào thời điểm đó. Nhưng rồi chị nhanh chóng vỡ mộng. Ngay thời điểm dự án chính thức được rao bán đầu năm 2008, giá đã xuống thấp hơn giá chị mua vào. Đến bây giờ, giá xuống chỉ còn 14 - 15 triệu đồng/m². “Nhưng đấy cũng chỉ là giá rao bán, chứ thực tế bây giờ làm gì có ai dại dột mà đi ôm đất dự án”, chị Linh than thở. Bao vốn liếng chị đổ hết vào nhà đất, ngoài ra mỗi tháng lại phải trả lãi ngân hàng gần 50 triệu đồng. “Hi vọng Nhà nước sớm có chính sách cứu thị trường bất động sản”, chị Linh nói.

Những người đầu tư “lướt sóng” lâm vào tình cảnh bi đát như chị Linh không phải hiếm, đặc biệt là ở TP HCM. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành nói: “Phần đông những nhà đầu tư bất động sản ở TP HCM vốn không lớn lắm. Đa số dựa vào vốn vay ngân hàng, họ lại đầu tư trên diện rộng nên sẽ bị kẹt hàng loạt. Ngay các công ty kinh doanh địa ốc cũng nằm trong giai đoạn “ủ bệnh”. Đến giờ chưa có trường hợp “tử vong” cụ thể, nhưng thời gian tới có thể sẽ có. Kể cả những đại gia rất lớn cũng khốn đốn”. Thị trường bất động sản TP HCM mấy tháng nay gần như không có giao dịch, kể cả những khu vực diện tích nhỏ và giá trung bình thấp. 5 - 7 ngày mới có một người sang tay nhau một căn hộ. Có những nơi trước đây giá 15 - 17 triệu đồng/m², giờ xuống 13 - 14 triệu đồng/m² cũng không có người mua.

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản B.Đ.S (Hà Nội) cho biết, lượng giao dịch bây giờ chỉ bằng 15% so với thời điểm cuối năm 2007. Riêng mảng văn phòng và nhà ở cao cấp cho thuê, trước nay vẫn khá tốt thì bây giờ lượng giao dịch cũng chỉ bằng 1/5 trước đây. Hiện vẫn có những giao dịch lẻ tẻ, nhưng chủ yếu là các đối tượng có nhu cầu thực sự, mua nhà để ở. Giới đầu tư thì không ai dám mạo hiểm mua vào thời điểm này.

Chờ giải cứu

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, để vực dậy thị trường thì lại phải nhờ đến những biện pháp thực sự mạnh tay. Ông Đực nói: “Chiếc xe bất động sản” đã bị hãm phanh quá gấp. Bây giờ muốn đề-pa lại cũng không phải chuyện dễ. Lãi suất ngân hàng thời gian qua đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức rất cao, doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn chưa thể tiếp cận được. Đấy là chưa kể, các ngân hàng thậm chí còn không cho vay kinh doanh bất động sản”.

Ông cho rằng, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, thị trường bất động sản sẽ “đổ bể” và khi đó, các ngân hàng cũng sẽ khó khăn. “Nhà nước cần giảm lãi suất mạnh hơn nữa. Nhất là phải có cách nào đó để “bơm” tiền vào lưu thông, cứu thị trường. Nếu không, có thể các nhà đầu tư nước ngoài nhân cơ hội này sẽ nhảy vào “thôn tính” thị trường địa ốc Việt Nam”. Ông Đực nói:

Tiến sỹ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn nếu lãi suất ngân hàng vẫn cao và tiếp tục thận trọng với các khoản cho vay. Nhưng theo bà, sẽ không có sự “sụp đổ” trên thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới.

Bà Loan cũng hi vọng, đề án Phát triển thị trường Bất động sản Việt Nam đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu và đưa ra trong thời gian tới sẽ giải quyết được những tồn tại trên thị trường bất động sản hiện nay.

“Vừa qua, một số doanh nghiệp được giãn nợ. Thay vì đáo hạn cuối năm, người ta cho gia hạn, giãn nợ ra. Điều này cũng làm cho doanh nghiệp dễ thở hơn một chút. Mặt khác, theo kế hoạch Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, trong năm 2009, chỉ số lạm phát giảm xuống 15%, năm 2010 sẽ giảm xuống một con số, khi đó lãi suất ngân hàng sẽ giảm và thị trường sẽ ấm lên và số lượng giao dịch tăng nhiều hơn”. (TS Đỗ Thị Loan - TTK Hiệp hội BĐS TP HCM)


DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình