Bơm tiền cho bất động sản, liệu có khả thi?

Cập nhật 17/12/2012 16:23

Một gói tài chính mới nhằm cứu thị trường đã được nhiều doanh nghiệp bất động sản TP HCM đề xuất với Bộ Tài chính.

Tại cuộc Tọa đàm “Tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm khơi thông thị trường bất động sản TP HCM” tổ chức mới đây, giải pháp cấp bách cứu thị trường bất động sản TP HCM hiện nay, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, Ngân hàng Nhà nước “bơm ra” 20.000 tỷ đồng cho người mua nhà vay với lãi suất 8%/năm trong vòng 10 – 15 năm.
 

Nhiều giải pháp đã được đưa ra cho năm 2013 nhằm tìm hướng đi BĐS


Theo ông Nghĩa, nếu căn hộ có giá 1 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho vay một nửa, người dân trả tiền mặt một nửa với lãi suất ưu đãi, không phải đóng thuế VAT, thì sẽ kích thích được người dân bỏ tiền mặt mua nhà.

Khi người dân bỏ tiền mua nhà, tức là dòng tiền trên thị trường đã có thêm 20.000 tỷ đồng nữa. Có dòng tiền mới, doanh nghiệp bán được hàng tồn kho sẽ có tiền trả cho nhà thầu. Nhà thầu cũng có tiền thanh toán cho nhà cung ứng vật tư. Có dòng tiền mới, doanh nghiệp sẽ có khả năng trả nợ gốc cho ngân hàng và như thế nợ xấu sẽ được xử lý. Hiện thị trường TP HCM đang tồn đọng khoảng 30.000 tỷ đồng hàng tồn kho và nợ xấu cho vay bất động sản là 4.145 tỷ đồng.

Cùng quan điểm với ông Lê Hữu Nghĩa, ông Lương Sĩ Khoa, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phú Gia cho biết, để cứu thị trường bất động sản thì vấn đề chính hiện nay là phải có dòng tiền. Theo ông Khoa, để có dòng tiền, ngân hàng cần phải giảm lãi suất đối với cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà.

Theo ông Khoa: “Hiện nay lãi suất rất cao, điều đó làm cho doanh nghiệp triển khai dự án rất khó khăn và khách hàng tiếp cận dự án rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng phải giảm lãi suất cho phù hợp với tình hình tài chánh hiện nay. Cái mức tiếp cận lý tưởng cho doanh nghiệp, cho cả người mua nhà nó ở khoảng từ 10-12%/năm”.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng: Hiện nay, một trong những vấn đề rất quan trọng là phải giảm lãi suất. Trong giảm lãi suất, trước hết, phải cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, khoảng 8%/năm cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình mua căn hộ đầu tiên để ở, hoặc là những người đang ở chật hẹp dưới 8m2/đầu người. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất cần cơ cấu lại nợ, để được hưởng mức lãi suất hợp lý. Đồng thời, cũng cần sự nỗ lực chung của các Bộ.

Giảm lãi suất ngân hàng là nguyện vọng chung. Thế nhưng, để giảm lãi suất ngân hàng, Nhà nước lại phải tiếp tục chi tiền. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành cho biết: Nếu Nhà nước bù lãi suất 3-5% cho căn hộ dưới 2 tỷ đồng, thì trong 3 năm tốn khoảng 8.000 tỷ đồng. Việc bù này lại vào tay các nhà đầu tư, không vào tay người dân có thu nhập thấp và trung bình. Nếu Nhà nước bỏ tiền mua 25.000 căn tái định cư trị giá khoảng 25.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp, sau đó bán cho người tái định cư với giá trên 1 tỷ một căn thì Nhà nước không có tiền mua, người dân cũng không có tiền mua.

Ông Nguyễn Văn Đực đề xuất 2 giải pháp: “Thứ nhất, cho phép chuyển đổi công năng của một số chung cư thành cao ốc văn phòng, trường học, bệnh viện... Thứ hai, chúng ta đã cho nhà ở xã hội 25m2, vậy thì tại sao không cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội theo phương thức thương mại. Chúng tôi được hưởng tất cả các chỉ tiêu về quy hoạch, về dân số, diện tích, thuế sử dụng đất như nhà ở xã hội nhưng chúng tôi bán tự do cho mọi người dân với điều kiện chúng tôi bán bằng hoặc thấp hơn đơn giá nhà ở xã hội, dưới 400 triệu đồng/căn”.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định nhà ở xã hội là quan trọng, nhằm giải quyết một cách cơ bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội khó khăn về nhà ở. Vì vậy, giải pháp cụ thể về làm nhà ở xã hội chính là cách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và đang được Bộ Xây dựng triển khai.

Tuy nhiên, để giải cứu được thị trường bất động sản trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cho rằng, Chính phủ nên dùng chính sách giảm thu để tăng thu. Trong đó, Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi quy định về tiền sử dụng đất tại Nghị định 69, 120 và Thông tư 93. Theo ông Quang, nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất-thuê đất tăng từ 3-10 lần so với trước. Tiền sử dụng đất vượt quá khả năng thanh toán và sự chấp nhận của các hộ dân, các doanh nghiệp và thị trường, làm cho các doanh nghiệp không lập được kế hoạch đầu tư kinh doanh do không xác định được nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất.

Đề xuất “giảm thu để tăng thu” của ông Nguyễn Xuân Quang, Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhất trí. Ông Vương Đình Huệ cho biết: đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ đang trình Chính phủ giảm từ mức 25% xuống còn 20-23%. Nhà ở xã hội sẽ được hưởng thuế ưu đãi là 10%. Tiền thuê đất tiếp tục cho giảm 50%. Đồng thời, Bộ tiếp thu ý kiến việc cho phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ dự án để doanh nghiệp bớt khó khăn. Bộ cũng đề xuất tiếp tục giãn thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2013 và các doanh nghiệp bất động sản sẽ được cho giãn thuế nhiều hơn.
 

DiaOcOnline.vn - Theo VOV