Việc giải tỏa, đền bù để thu hồi đất tại Khu đô thị mới Nam TP HCM (gọi tắt là khu Nam) hết sức khó khăn những năm qua đã khiến thành phố phải điều chỉnh giảm diện tích với một loạt dự án. Việc này cũng đồng nghĩa với tình trạng đất quy hoạch các khu chức năng ở khu Nam đang bị giải tỏa kiểu “da beo”, gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung của cả khu Nam.
Theo ông Hồ Trung Hiếu, Phó BQL khu Nam, tại các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng có mật độ dân cư cao như dọc các tuyến đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Quốc lộ 50, chủ đầu tư không thể tiến hành bồi thường để thực hiện dự án.
Tình trạng này khiến người dân có đất trong dự án bị mất các quyền theo quy định của Luật Đất đai, dẫn đến bức xúc kéo dài. Để giải quyết quyền lợi cho người dân, BQL khu Nam đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện đề xuất UBND thành phố ra quyết định thu hẹp ranh của dự án.
Đến nay, những khu vực đã được thành phố chấp thuận điều chỉnh giảm diện tích dự án gồm Khu dân cư ven sông thuộc khu chức năng số 4 có quy mô lên đến hơn 285 ngàn m²; sau khi được thành phố cho phép điều chỉnh, diện tích dự án giảm còn 269 ngàn m².
Hơn một nửa số dự án đã đầu tư vào khu Nam là dự án phát triển nhà ở và hạ tầng thương mại.
|
Tiếp theo là Dự án khu dân cư Him Lam ở khu chức năng số 7 cũng được UBND thành phố quyết định điều chỉnh ranh quy hoạch giảm từ 227,9 ngàn m² xuống còn 42,5 ngàn m² vào ngày 30-12-2016. Lý do phải điều chỉnh giảm diện tích dự án là do chủ đầu tư không thể tiến hành đền bù, giải tỏa.
Với Khu dân cư Thăng Long ở khu chức năng số 9 nằm trên địa bàn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cũng vậy, sau nhiều năm giao đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng, chủ đầu tư này đã không thể tiến hành bồi thường, giải tỏa.
Do đó tháng 11-2017, UBND thành phố đã phải ra quyết định điều chỉnh diện tích dự án giảm từ hơn 419 ngàn m² xuống còn trên 247 ngàn m². Và phải sau 14 năm được thành phố quyết định giao đất, thời điểm này chủ đầu tư mới dừng ở bước lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án.
Ngay cả Dự án khu nhà ở và công trình công cộng ở khu chức năng số 11 thành phố cũng đã phải điều chỉnh giảm diện tích từ 269 ngàn m² xuống còn 175 ngàn m².
Tương tự, Dự án khu dân cư Hạnh Phúc nằm trong khu chức năng số 11, cũng đã được phép điều điều chỉnh giảm diện tích từ 397 ngàn m² xuống còn 260 ngàn m² vào năm 2017. Việc điều chỉnh giảm quy mô diện tích các dự án này cũng đồng nghĩa với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của khu vực dự án cũng phải thay đổi theo.
Cũng theo ông Hiếu, ở các khu vực đã được thu hẹp ranh thu hồi đất, người dân sẽ được xây cất nhà cửa theo quy hoạch chỉnh trang đã được các quận, huyện phê duyệt. Khi phải giữ nguyên các khu dân cư hiện hữu trong ranh quy hoạch khu Nam trên đã dẫn đến thực trạng là các khu đô thị lụp xụp nằm xen lẫn trong khu đô thị mới quy hoạch.
Song điều đáng lo ngại hơn là sau hàng chục năm bị quy hoạch “treo”, đến nay các khu chức năng của khu Nam gồm khu B - Dự án khu đại học; khu C - Trung tâm kỹ thuật cao và khu D - Trung tâm lưu thông hàng hóa hầu hết nằm trên vùng diện tích đất trồng lúa vẫn chưa được chủ đầu tư triển khai.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị “treo” tại đây, ngày 12-2-2018, BQL khu Nam đã có văn bản đề nghị thành phố cho phép người dân chuyển đổi mục đích từ đất lúa sang nhóm đất nông nghiệp để việc sử dụng đất đạt hiệu quả. Từ đó giúp những người có đủ điều kiện được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được cấp phép xây dựng có thời hạn nhằm hạn chế thiệt hại do có đất nằm trong vùng dự án “treo”.
Trên địa bàn khu Nam hiện cũng đang còn nhiều khu vực đã có quyết định thu hồi đất nhưng dự án triển khai chậm. Trong khi đó, người dân muốn xin phép xây dựng công trình, nhà ở trên phần đất này đều không được giải quyết dẫn đến tình trạng sang nhượng nhà, đất bằng giấy tay và xây dựng, sửa chữa nhà không phép tràn lan.
Để giải quyết tình trạng này, ngay từ năm 2014, BQL khu Nam đã đề nghị thành phố cho phép UBND quận 8 và huyện Bình Chánh giải quyết các quyền lợi hợp pháp cho người có đất nằm trong các khu chức năng B, C và D như trường hợp chưa có quyết định thu hồi đất.
Từ đó đến nay, để giải quyết bức xúc, căng thẳng cho người dân, BQL khu Nam đã nhiều lần có văn bản đề nghị cấp phép xây dựng có thời hạn cho người dân ở trong quy hoạch các khu chức năng trên. Nhưng cũng phải chờ đến tháng 12-2017 vừa qua, UBND thành phố mới giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn thực hiện.
Trong khi quyết định thu hồi đất với 3 khu chức năng trên đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ tháng 11-1996; khu vực quy hoạch các khu chức năng này chủ yếu là đất trồng lúa nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn không thể tiến hành bồi thường, giải tỏa để triển khai dự án, thì xem ra quy hoạch khu Nam còn tiếp tục đối mặt với nguy cơ thu hẹp ranh dự án hoặc được triển khai theo kiểu “da beo”, bồi thường giải tỏa được đến đâu, triển khai dự án đến đó.
DiaOcOnline.vn - theo Báo Công An Nhân Dân
Hơn một nửa số dự án đã đầu tư vào khu Nam là dự án phát triển nhà ở và hạ tầng thương mại.