Bộ Xây dựng đang đánh giá an ninh kinh tế trong bất động sản

Cập nhật 28/07/2018 09:14

Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định đang hoàn thiện đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản, trong đó xem xét an ninh trong việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng chiều 27/7.

Theo ông Ninh, Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản. Trong đề án này, Bộ sẽ đánh giá tình hình an ninh trong nhiều vấn đề liên quan đến bất động sản trước khi trình Chính phủ vào tháng 12.

“Chúng tôi sẽ đánh giá an ninh kinh tế trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài; cho người nước ngoài mua nhà; tín dụng, bong bóng bất động sản; quản lý vận hành, tranh chấp nhà chung cư…”, ông Ninh nói.


Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Lê Hiếu.

Vị này cũng cho biết hiện Bộ Xây dựng đã làm xong đề cương và gửi đi lấy ý kiến các địa phương về đề án. Không chỉ Bộ Xây dựng mà nhiều bộ ngành khác cũng được Chính phủ giao xây dựng đề án an ninh kinh tế.

Việc Bộ Xây dựng xây dựng đề án an ninh trong lĩnh vực bất động sản diễn ra trong bối cảnh nhiều người lo ngại vấn đề người nước ngoài mua nhà, thậm chí là nhờ mua nhà tại Việt Nam. Nhiều ý kiến lo ngại vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà tại các khu vực nhạy cảm sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh, quốc phòng.

Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định trong năm 2018 sẽ không xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản như nhiều người lo ngại. Bộ Xây dựng cũng đang làm đề án, dự báo tình hình thị trường về trung hạn (2018-2025) để trình Chính phủ.


Gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều người nước ngoài mua nhà, nhờ mua nhà tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Nguyễn Minh.

Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm đã xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất thường ở một số khu vực vùng ven TP.HCM, huyện Long Thành (Đồng Nai), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)…

Nguyên nhân chính là một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu, đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông (sân bay Long Thành, tuyến Metro số 1 của TP.HCM, một số đường cao tốc…) để tung tin thất thiệt, thổi giá, đầu cơ…

Trong khi đó các cơ quan chức năng chưa làm tốt công tác truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ của các dự án đầu tư lớn, kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ. Bộ Xây dựng khẳng định sốt đất đã ổn định và bước đầu được kiểm soát.

Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2018, qua báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội có khoảng 8.650 giao dịch bất động sản thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017). Tại TP.HCM, có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá căn hộ chung cư có xu hướng tăng nhẹ tại Hà Nội (khoảng 0,08%) so với quý I/2018 và giảm (khoảng 0,39%) so với cùng kỳ năm trước. Nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 1,84% so với quý I và tăng khoảng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017.

Tương tự, tại TP.HCM, giá căn hộ tăng nhẹ (khoảng 1,4%) so với quý I và tăng 3,43% so với cùng kỳ. Giá nhà ở riêng lẻ tăng 3,24% so với quý I và 10,42% so với cùng kỳ năm 2017.

Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, tính đến ngày 20/6, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.072 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013 đã giảm 104.476 tỷ đồng (giảm 81,27%); so với 20/12/2017 giảm 1.310 tỷ đồng (giảm 5,16%).

Về dư nợ tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến quý I là 473.073 tỷ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Zing