Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra một số khó khăn trong xây dựng nhà ở xã hội và cải tạo các chung cư cũ.
Sáng 16/8, UB Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà một số nhóm vấn đề trong về công tác quản lý nhà nước của Bộ.
3 nguyên nhân khiến nhà ở xã hội gặp khó
Tại phiên chất vấn, việc cải tạo các chung cư cũ và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết Chỉ thị số 03 của Chính phủ đã có nội dung về việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa quan tâm đến quy hoạch, thậm chí quan tâm quá đến nhà ở thương mại. Đại biểu đặt câu hỏi Bộ Xây dựng có chính sách gì để phát triển nhà ở xã hội?
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong xây dựng nhà ở xã hội đang tồn tại một số vấn đề cần được giải quyết.
Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu so với nhu cầu thực tế.
“Trong nhiều năm, với nỗ lực rất cao chúng ta mới có 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội. Trong khi nhu cầu hiện tại lên đến hơn 10 triệu m2. Như vậy là thiếu rất nhiều”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Thiếu quỹ đất là một trong những nguyên nhân cả trở việc phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Huy Nguyễn.
|
Thứ hai, một số doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến xây dựng nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp. Nhà nước cũng có một số chính sách ưu đãi về vốn, đất đai… nhưng lại quy định chỉ được lợi nhuận tối đa là 10%. Số lợi nhuận này khá thấp, không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.
Trong quy hoạch các khu đô thị cũng dành ra 20% quỹ đất để nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đất xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn rất hạn chế. Thực tế hiện nay, một số địa phương chưa quan tâm đến đất xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều địa phương thậm chí còn không bố trí đủ, đặc biệt là xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thứ ba, Bộ trưởng Hà nêu ra thực trạng thiếu nguồn lực và cơ chế xây dựng nhà ở xã hội.
Về các giải pháp, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết cần có sự thay đổi căn bản để giải quyết vấn đề xây dựng nhà ở xã hội. “Ở các nước thì không phân biệt đối tượng và cho vay mua nhà. Như ở Mỹ họ cho vay với lãi suất rất thấp. Họ điều tiết các khoản thu khác để có nguồn lực để xây dựng. Chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp căn cơ lâu dài hơn để tạo đột phát xây dựng nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Hà nói.
Doanh nghiệp không có nhiều lợi ích khi cải tạo chung cư cũ
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết thực trạng người dân phải chịu nỗi ám ảnh khi sống trong các chung cư cũ xuống cấp. Thực trạng hiện nay, người dân đã tự ý cải tạo chung cư cũ với nhiều hình thù kỳ quái. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại chưa có phương án xử lý cụ thể chung cư cũ. Đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.
Bên trong một chung cư cũ tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.
|
Theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, vấn đề cải tạo chung cư cũ còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo đó, lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân chưa được đảm bảo, chưa có sự hài hòa nên chưa thể thống nhất thực hiện được.
Bộ trưởng cho biết bản chất việc xử lý một chung cư cũ không tạo ra được nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Điều đó khiến việc cải tạo chung cư cũ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM diễn ra rất chậm.
“Rà soát trên toàn quốc hiện nay có khoảng 6.000 công trình chung cư cũ 50-60 năm tuổi. Trong đó có hơn 1.000 chung cư thuộc dạng rất nguy hiểm”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hà, cần xử lý kiên quyết vấn đề cải tạo chung cư cũ. Nếu như có sự cố đáng tiếc tại một chung cư cũ nào đó sẽ gây ra thiệt hại rất lớn.
Trực tiếp đi khảo sát nhiều công trình cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, theo Bộ trưởng, hiệu quả cho doanh nghiệp là không cao nên họ không mặn mà.
Ông cho rằng cần đổi mới một cách căn bản vấn đề chung cư cũ với những giải pháp mới, đột phá hơn. “Theo quy định của pháp luật, chung cư đã xuống cấp thì Nhà nước phải bỏ tiền ra để cải tạo. Quả thực nguồn lực bây giờ là rất khó. Cần đổi mới căn bản”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing