Bộ trưởng Xây dựng: Có tình trạng tranh thủ lập dự án

Cập nhật 19/04/2009 10:05

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhận định có tình trạng tranh thủ lập dự án quy hoạch, đầu tư, trong cuộc trao đổi với Tiền Phong về thực trạng các đồ án, dự án và cấp đất xây dựng đô thị trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

* Trách nhiệm của Bộ Xây dựng rất lớn trong việc hoạch định Hà Nội xứng tầm với vị thế Thủ đô của cả nước, thưa ông?

Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Hà Nội mở rộng đến năm 2030 tầm nhìn 2050, thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm, phối hợp với các đơn vị và chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện.

Tư vấn đang khẩn trương triển khai các bước theo kế hoạch đã báo cáo Chính phủ. Dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ trình thẩm định và phê duyệt. Từ nay đến lúc đó còn nhiều việc phải làm.

Một điều quan trọng hơn cả là quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội sẽ phải thực sự phản ánh toàn diện quyết tâm và ý chí của dân tộc, của đất nước.

* Tại các địa phương thuộc diện sáp nhập, trước khi về Hà Nội, xuất hiện rất nhiều dự án. Theo ông, chúng ta có nên chấp nhận thực trạng như vậy?

Sẽ có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các dự án này về nhiều mặt như sự phù hợp với định hướng phát triển không gian của đô thị, vai trò và tác động đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, sự hợp lý trong việc phân vùng đô thị và sử dụng đất, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, v.v.

Từ đó sẽ có những lựa chọn hợp lý nhất định hướng phát triển của đô thị cũng như các giải pháp cụ thể, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu đã được xác định trong nhiệm vụ thiết kế quy hoạch.



Bộ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.

* Tại sao khi đã có chủ trương mở rộng Hà Nội mà người ta vẫn để xảy ra tình trạng đó, thưa Bộ trưởng?

Sau khi có chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 260/CT-TTg ngày 04/3/2008, yêu cầu rà soát lại toàn bộ các dự án xây dựng đô thị liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng.

Bộ Xây dựng đã có văn bản ngày 07/3/2008 và 08/4/2008 hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Bộ tiến hành rà soát các dự án theo các nhóm tiêu chí về cơ sở pháp lý, sự phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, sự tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và sự phù hợp nguyên lý tổ chức không gian đô thị và hạ tầng kỹ thuật.

Bộ đã tổng hợp đánh giá các dự án và kiến nghị cụ thể với Thủ tướng Chính phủ về các dự án có thể tiếp tục triển khai và các đồ án đề nghị tạm dừng, chờ quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mở rộng.

Tại một số địa phương, đặc biệt là những nơi chưa có quy hoạch chung xây dựng, sau khi có chủ trương mở rộng Hà Nội, cũng có tình trạng các chủ đầu tư tranh thủ lập đồ án quy hoạch, dự án đầu tư...

Vấn đề là ở chỗ, nếu các bên liên quan hiểu rõ được vai trò và ý nghĩa của công tác quy hoạch đô thị cũng như mối liên hệ có tính chi phối giữa quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết thì chắc chắn sẽ không thể có sự vội vàng như vậy.

* Ngay cả khi Thủ tướng ra Chỉ thị 260, các địa phương thuộc diện sáp nhập vẫn tiếp tục cấp đất. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng, Bộ Xây dựng có nắm được thực trạng đó không?

Sau khi rà soát, Bộ Xây dựng cũng phân loại và chỉ ra từng loại dự án, đồ án quy hoạch có trước và sau Chỉ thị 260 như thế nào v.v.

Đối với những đồ án, dự án được nghiên cứu trong thời gian ngắn, lựa chọn địa điểm vội vàng, chưa đủ cơ sở khoa học, Bộ đã kiến nghị cần phải tiếp tục xem xét, điều chỉnh khi triển khai các bước tiếp theo và báo cáo việc này với Thủ tướng Chính phủ.

* Quan điểm của Bộ ra sao đối với những dự án theo dạng như vậy?

Trong báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát vào tháng 7/2008, Bộ đã tổng hợp phân tích tình hình chung cũng như đề xuất rất cụ thể những đồ án, dự án nào có thể tiếp tục triển khai hoặc cần có sự xem xét điều chỉnh một số nội dung và những đồ án, dự án nào đề nghị tạm dừng.

Đối với một số trường hợp đặc biệt có thời gian thực hiện các thủ tục quá ngắn, không bình thường, Bộ cũng tiến hành kiểm tra và đã có báo cáo kiến nghị cụ thể.

* Có ý kiến cho rằng việc cấp đất ồ ạt vào thời điểm trước khi Hà Nội mở rộng là muốn tạo ra một sự đã rồi. Bộ trưởng bình luận gì về việc này?

Bộ Xây dựng cùng với thành phố Hà Nội đang chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch chung Hà Nội mở rộng xem xét tất cả các dự án trên địa bàn nghiên cứu, không chỉ những dự án đã và đang triển khai mà cả những đồ án, dự án chưa được phê duyệt như đồ án phát triển hai bờ sông Hồng hay những nghiên cứu của HAIDEP v.v.

Sẽ có thái độ ứng xử phù hợp với từng khu vực, từng đồ án, dự án để đảm bảo sự thống nhất của quy hoạch Hà Nội trong tương lai, đáp ứng yêu cầu và vị thế Thủ đô của cả nước.

* Trong năm năm, Quốc hội chỉ cho phép chuyển 300.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Riêng Hà Tây chỉ trong vòng hơn một năm đã chuyển đổi hàng chục ngàn ha. Như thế, theo ông, có là bất hợp lý?

Nếu chỉ dựa trên con số diện tích đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp không thôi thì chưa thể nói là hợp lý hay không hợp lý. Chúng ta xây dựng, phát triển và quản lý vùng, các đô thị trong vùng theo quy hoạch.

Các quy hoạch đó lại được xem xét điều chỉnh sau một quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, phải có sự đánh giá toàn diện về nhiều mặt trên cơ sở đối chiếu với các quy hoạch có liên quan thì mới có thể kết luận được.

Hơn nữa, việc chuyển đổi đất phải căn cứ theo Nghị quyết của Chính phủ năm năm một lần và nghị quyết hàng năm của hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội mở rộng, có nhiều đồ án quy hoạch được lập, phê duyệt nhưng dự án có quyết định giao đất và thu hồi đất không nhiều.

Đối với các đồ án, dự án ở Hà Tây cũ trước khi sáp nhập về Hà Nội, Bộ Xây dựng đã rà soát cụ thể, có đánh giá, nhận định về từng nhóm dự án trong báo cáo tổng hợp.

* Tổ Công tác của UBND thành phố Hà Nội thống kê, trong thời gian ngắn, Hà Tây đã phê duyệt các dự án đô thị với quy mô 3,7 triệu người, phá vỡ quy hoạch vùng thủ đô do chính Bộ Xây dựng lập?

Vấn đề xây dựng phát triển và quản lý theo quy hoạch vẫn còn là lĩnh vực mà năng lực của các cấp chính quyền còn có nhiều hạn chế. Đồng thời, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai lập quy hoạch chi tiết vẫn chưa theo kịp nhu cầu của thực tiễn xã hội. Do đó, trong thực tế quản lý điều hành phê duyệt từng dự án đô thị cụ thể có thể vẫn còn có những bất cập.

Đối với địa bàn các địa phương sáp nhập vào Hà Nội, trong quá trình rà soát, Bộ Xây dựng cũng có đánh giá cụ thể. Cũng không phải tất cả các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng đô thị đó đều đã khởi công xây dựng mà phần nhiều mới chỉ là những nghiên cứu.

Chính vì vậy, việc lập quy hoạch chung xây dựng Hà Nội mở rộng lần này là một cơ hội để chúng ta khách quan nhìn nhận, điều chỉnh lại những bất cập. Chắc chắn không thể có chuyện phá vỡ quy hoạch vùng thủ đô.

* Cảm ơn Bộ trưởng

* Sau khi Bộ Xây dựng báo cáo thì ý kiến của Chính phủ thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Sau báo cáo của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã có quan điểm rõ ràng, giao cho UBND thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, kiến nghị phương án xử lý.

Mong muốn của chúng ta là có một thủ đô mở rộng xứng với vị thế và tầm vóc chứ không phải là một Hà Nội, Hà Tây và một phần Hòa Bình, Vĩnh Phúc cộng lại, không phải là phép cộng số học đơn thuần.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong