Phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang sáng 13/6 chủ yếu tập trung vào các vấn đề dư luận bức xúc trong quản lý đất đai.
Hầu hết các đại biểu đều muốn có câu trả lời từ Bộ trưởng, rằng: tại sao khiếu kiện, tranh chấp và bức xúc trong dư luận đối với lĩnh vực đất đai hiện nay vẫn còn nhiều?
|
Đặt câu hỏi trực tiếp tới Bộ trưởng Quang, hầu hết các đại biểu đều muốn có câu trả lời từ Bộ trưởng, rằng: tại sao khiếu kiện, tranh chấp và bức xúc trong dư luận đối với lĩnh vực đất đai hiện nay vẫn còn nhiều?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) hỏi rằng, dù hiện nay Đảng, Chính phủ đã có một số chủ trương theo hướng đảm bảo tối đa lợi ích cho người sử dụng đất, song xung quanh vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất vừa qua tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ cũng đã có khá nhiều đề xuất, ban hành nhiều quy định nhưng rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nguyên nhân do đâu?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lại chất vấn rằng, hiện có trên 70% tố cáo, khiến kiện là thuộc lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Tại sao trong báo cáo của Bộ đã khẳng định, công tác giải quyết các vụ việc “đã cố gắng và đạt kết quả tốt trên 90%” nhưng sao khiếu nại vẫn tăng?
Trả lời những chất vấn trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, những câu hỏi của đại biểu cũng là những vấn đề khá bức bách hiện nay.
Theo ông, lĩnh vực đất đai xưa nay vốn đã rất phức tạp, đặc biệt là khi chúng ta thực hiện cơ chế thị trường, và sau khi có Luật Đất đai 2003 tại các địa phương, diễn biến càng phức tạp hơn.
Nhìn nhận của Bộ trưởng Quang về nguyên nhân của những tồn tại, nghịch lý trên, thì có nhiều, nhưng trong đó có vấn đề là “chưa đảm bảo dân chủ công khai khi thu hồi đất. có lợi ích của các bên, đặc biệt là của người sử dụng đất, giá đất bồi thường còn thấp; chưa thực hiện xây khu tái định cư trước khi thu hồi. Cùng với đó là có nguyên nhân từ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Quang cũng cho rằng, có một nguyên nhân nữa là “vấn đề lợi ích của các bên” không thỏa mãn, từ đó dẫn đến khiếu kiện. Bởi lẽ, hiện chúng ta vẫn vừa thực hiện cơ chế thu hồi đất đối với một số dự án theo quy định, nhưng cũng có cơ chế tự thỏa thuận giá đến bù giữa nhà đầu tư với người dân.
Chính vì áp dụng hai cơ chế này, theo Bộ trưởng Quang đã tạo sự chênh lệch giữa thu hồi và thỏa thuận, trong đó giá thỏa thuận thường cao hơn giá nhà nước thu hồi.
Bộ trưởng cho biết, nhằm khắc phục hạn chế trên, tới đây, khi sửa Luật Đất đai, có thể xem xét sửa thành “không có cơ chế thỏa thuận nữa mà nhà nước sẽ đứng ra thu hồi, trên cơ sở xem xét thấu đáo lợi ích các bên”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về thực tế, hiện nay người dân không muốn bị thu hồi đất nữa mà muốn góp quyền sử dụng đất của mình vào các dự án như là những cổ đông, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định “hoàn toàn ủng hộ”.
Tuy nhiên, do hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn đối với phương thức này nên tới đây Bộ sẽ nghiên cứu cụ thể để đưa vào trong luật pháp về đất đai sửa đổi.
Khá quan tâm tới vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý, “hiện nay chưa có quy định pháp luật nên Bộ cần phải có ý kiến cụ thể. Tới đây là bao giờ cũng phải nói rõ. Trước mắt Bộ có thể trình Thủ tướng để Chính phủ có hướng dẫn cần thiết, cụ thể”.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy