Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Sốt đất là đương nhiên"

Cập nhật 05/06/2018 09:23

Đất đai là vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội gửi tới lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường. Trong đó, việc sốt đất ở ba khu vực Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong đang khiến nhiều cử tri bức xúc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Chiều ngày 4-6, Quốc hội đã tiến hành chất vấn nhóm vấn đề liên quan tới công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Trong buổi chất vấn này đã có 18 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận, trong đó chủ yếu tập trung vào công tác quản lý đất đai.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), quản lý đất đai luôn là vấn đề khó khăn và phức tạp. Thị trường đất đai ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, có thể trở thành đặc khu nếu được thông qua, đang hết sức sôi động, phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. Ông Trí đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết những biện pháp mà Bộ đưa ra nhằm hạ nhiệt đất ở khu vực này. Đồng thời liệu đây có phải là giải pháp căn cơ?

Cũng liên quan tới đất đai, đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng thường kéo dài, làm chậm tiến độ đầu tư, nhất là các dự án lớn. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thì cho rằng, thiếu nại về đất đai luôn chiếm tỉ lệ lớn, trên 70%. Đây là nguyên nhân dẫn tới bức xúc của người dân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội.

Các đại biểu đề nghị lãnh đạo ngành TN&MT đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng bất cập liên quan tới đất đai thời gian qua.

Trả lời thắc mắc của đại biểu, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN&MT cho hay,  theo quy luật, khi đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện ở đâu thì dòng vốn sẽ đổ dồn vào đó. Nhưng điều mà Bộ này chưa làm được là những biện pháp phòng ngừa mà thay vào đó là các chỉ thị hành chính.

Đối với ba khu vực trên, việc đưa ra chỉ thị để hạ nhiệt giá đất là đúng đắn nhưng hình thức đưa ra không phù hợp với pháp luật hiện nay. Do đó, sắp tới cần phải có Nghị quyết quy định mang tính đặc thù để quản lý đất đai trong các đặc khu. Nhưng nhìn ở mức rộng hơn, theo ông Hà, cần phải tính toán sửa đổi luật đất đai trong thời gian tới để tính toán trước vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Hà không nói rõ việc sửa đổi luật đất đai sẽ theo hướng nào.

“Thực tế, sốt đất là đương nhiên”, ông Hà nói. Nhưng vấn đề ở chỗ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp đang diễn ra tràn lan và trái phép. Đây là giao dịch ngầm, không đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc quản lý, năng lực quản lý và tính nhậy cảm của cơ quan quản lý trong vấn đề này chưa kịp thời.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hà, các địa phương phải xem lại hồ sơ đất đai để quản lý hiện trạng đất. Từ đó khi tính toán đền bù cho người dân, cơ quan quản lý có thể đảm bảo được tính công bằng, người xứng đáng được đền bù sẽ đền bù thỏa đáng nhưng người đầu cơ thì cần có biện pháp để họ không có cơ hội hưởng lợi trong thương vụ đất đai này.

Liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ các dự án lớn, ông Hà cho hay, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất là chúng ta không chủ động được quỹ đất sạch.

Thứ hai là quá trình xem xét hồ sơ đất đai, định giá đất đai có vấn đề vì giá đền bù thấp hơn rất nhiều giá đất thực tế. Chính vì vậy khiếu kiện về đất đai chiếm tới 70% các vụ khiếu kiện. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng chạm chạp.

Về giải pháp, ông Hà cho hay, sắp tới Bộ sẽ xem lại phương pháp định giá đất đai cho phù hợp; đúng với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ  thực hiện đầy đủ thiết chế đất như trung tâm phát triển quỹ đất, quỹ phát triển quỹ đất để chuẩn bị trước đất sạch, chuẩn bị trước được cơ sở hạ tầng tái định cư đáp ứng được yêu cầu người dân, tạo được sự đồng thuận giữa các bên tham gia…

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG