Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Nhu cầu nhà xã hội của người dân rất lớn”

Cập nhật 19/01/2015 08:27

"Hiện nay nhu cầu của người dân rất lớn, có tới 80% người dân cần nhà ở xã hội. Bởi vì loại hình này là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước, hỗ trợ vay vốn có lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ về tiền sử dụng đất".

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ như vậy về khi nói về nhu cầu phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam hiện nay.

* Bộ trưởng có thể chia sẻ những điểm mới trong các văn bản luật về xây dựng, bất động sản mà Quốc hội đã thông qua năm 2014 ?

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua 3 bộ luật quan trọng là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Điểm mới của những văn bản luật này là khắc phục được tình trạng thị trường hóa cũng như hành chính hóa trong quá trình xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, Luật Xây dựng lần này đóng góp rất quan trọng trong việc chống thất thoát trong đầu tư xây dựng. Mặt khác, luật mới quy định phân nguồn vốn khác nhau thì sẽ có cơ chế quản lý khác nhau.

Cụ thể, đối với những công trình ngoài nhà nước thì tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp được đầu tư, xây dựng thuận lợi nhất. Chúng ta chỉ quản lý chặt về chất lượng, quy hoạch và môi trường. Còn đối với những công trình có nguồn vốn nhà nước thì ngoài các yếu tố trên thì sẽ có cơ chế chống thất thoát, lãng phí.

Đối với Luật nhà ở, điểm mới nhất của luật là một mặt vừa phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường để tạo điều kiện cho những người có khả năng thanh toán cải thiện nhu cầu tốt hơn nhưng mặt khác sẽ phát triển loại nhà ở thứ hai, nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước để những người thu nhập thấp, trung bình được hỗ trợ để có nhà ở, giúp họ cải thiện cuộc sống tốt hơn.

* Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình hình phát triển nhà ở xã hội trong năm qua?

Phát triển nhà ở xã hội là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu loại hình nhà này vẫn còn rất lớn, có thể nói đến 80% người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội. Bởi vì loại hình nhà này có sự hỗ trợ của nhà nước, hỗ trợ vay vốn có lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ về tiền sử dụng đất...

Phát triển nhà xã hội không chỉ trong ngắn hạn mà là lâu dài. Những nước thu nhập bình quân đầu người 50.000 USD/người/năm họ vẫn đang phát triển nhà ở xã hội và cần có sự hỗ trợ. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới khoảng 2.000 USD/người/năm, thì nhà ở xã hội là rất cần thiết.

Tuy nhiên, hiện tại công tác phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển chậm dẫn tới nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, đối với nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, hiện có đến 80% công nhân ở các khu công nghiệp phải thuê nhà ở của người dân.

* Vậy trong năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể nào đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà xã hội của người dân, thưa ông?

Năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội phát triển, nhưng trên hết là vai trò của các địa phương, các địa phương phải xây dựng được chương trình phát triển nhà ở xã hội, sau đó cân đối cung - cầu để có một lộ trình phát triển theo mục tiêu đề ra trong giai đoạn hàng năm và giai đoạn trung hạn, dài hạn.

Sau đó kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội. Nhà nước trong đó có các bộ, ngành, các địa phương phải tạo mọi điều kiện theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng ưu đãi.

Nếu làm được như vậy, chắc chắn việc phát triển nhà ở xã hội sẽ trở thành một chương trình thường xuyên và nó sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho người dân.

* Liên quan đến gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, đến nay mới thực hiện được trên 31% kết quả, vậy đâu là những hạn chế trong việc thực hiện gói tín dụng này, thưa ông?

Gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hay còn gọi là gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp là một chương trình lâu dài. Chương trình này phải được sử dụng đúng đối tượng. Nhưng cũng không phải vì thế mà chậm.

Như đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng nói trong buổi điều trần với Ủy ban thường vụ Quốc hội thì gói này không gọi là gói 30.000 tỷ nữa, mà là gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho phát triển nhà ở lâu dài. Có nghĩa là hết gói này thì Chính phủ yêu cầu tiếp tục có gói khác để cho người nhu cầu xã hội được mua nhà, được vay.

Tuy nhiên việc thực hiện nhanh chóng hay không còn phụ thuộc vào việc có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội hay không. Bên cạnh đó là điều kiện cho vay của ngân hàng, họ phải đảm bảo vừa bảo toàn vốn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn này một cách tiện lợi và dễ dàng nhất.

Đây gọi là gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho chương trình nhà ở lâu dài, hết gói 30.000 tỷ này sẽ có gói khác tiếp tục để cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cũng như doanh nghiệp xây dựng loại nhà này được vay.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE