Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “DN có vấn đề gì, cứ gửi thẳng cho tôi”

Cập nhật 18/08/2016 15:19

Đó là lời kết của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khi gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ trưởng Xây dựng đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp BĐS, tiếp xúc trực tiếp với hàng loạt vướng mắc trong các doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, được các doanh nghiệp than phiền, tổ khổ về thủ tục hành chính, cấp phép xây dựng.


 

Bộ trưởng Xây dựng cam kết, có bất cứ vấn đề khó khăn nào, doanh nghiệp đều có thể gửi trực tiếp tới bàn Bộ trưởng để có chỉ đạo sát thực tế hơn.

Sợ nhất hành chính ở quận, sở

Ông Nguyễn Quốc Hiệp- Chủ tịch HĐQT Invest kể câu chuyện khi xin chấp thuận đầu tư dự án, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi xem xét hồ sơ hợp lệ Sở KHĐT sẽ có văn bản gửi các Sở ban ngành của Thành phố xin ý kiến về các lĩnh vực quản lý của mình. Cụ thể, khi Sở KHĐT xin ý kiến của UBND quận thì quận giao cho phòng đô thị giải quyết, tuy nhiên phòng đô thị lại tiếp tục có văn bản hỏi các phòng trong quận (phòng tài nguyên, tài chính, ban QLDA, UBND phường, phòng giáo dục …) và nhà đầu tư phải đi tất cả các phòng để giải trình, họp cư dân mới có được văn bản trả lời để phòng đô thị tổng hợp. Và phòng đô thị của quận phải đợi có tất cả các văn bản tham gia ý kiến của các phòng khác mới tổng hợp báo cáo lãnh đạo quận mặc dù văn bản có ghi thời hạn trả lời và quá thời hạn không có văn bản coi như là đồng ý, nhưng quá thời hạn mà không có văn bản thì vẫn không triển khai mà vẫn phải đợi khi nào có văn bản. “Như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian của nhà đầu tư cũng như không đúng với quy trình thời gian giải quyết thủ tục hành chính gây phiền toái cho các nhà đầu tư và tiến độ rất chậm có thủ tục kéo dài tới 6-7 tháng ở một đơn vị”, ông Hiệp nói.

Kể ra sự việc trên, ông Hiệp bức xúc nói, chủ trương Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tuy nhiên, thực tế thủ tục hành chính vẫn không cải thiện. “Chúng tôi sợ nhất bị hành là chính ở quận, sở”.

Cũng về vấn đề cấp phép xây dựng, đại diện FLC Group kiến nghị thẳng thắn cho rằng, khi doanh nghiệp này triển khai dự án các địa phương với quy mô không lớn, tuy nhiên các địa phương vẫn không dám cấp phép đầu tư mà phải gửi lên Bộ Xây dựng thẩm định. “Với những dự án như vậy, qua vòng sở, UBND các tỉnh đã rất lâu, lại chờ lên Bộ Xây dựng thẩm xong thì quá lâu. Đề nghị Bộ Xây dựng có phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian hơn”.

Ngoài hai ý kiến nêu trên, hàng loạt vấn đề thực tế doanh nghiệp đang vướng mắc như cơ chế để doanh nghiệp cải tạo nhà chung cư cũ, những bất cập bảo lãnh dự án tại ngân hàng. Đặc biệt, khi gói 30 nghìn tỉ được tiếp tục giải ngân tới hết 2016 tuy nhiên thực tế hiện tại chỉ những hợp đồng ký trước ngày 31.3.2016 mới được giải ngân, điều này tạo ra sự đứt đoạn trong hỗ trợ người dân mua nhà xã hội.

“Bây giờ đã có Thông tư 100 của Liên bộ Xây dựng- NHNN quy định về lãi suất 4,8%/năm cho người vay mua nhà xã hội tuy nhiên thực tế người dân không thể tiếp cận vì các ngân hàng vẫn muốn đợi giải ngân đến hết gói 30 nghìn tỉ rồi mới giải ngân gói hỗ trợ theo Thông tư 100. Quãng thời gian 6 tháng có thể đánh mất những cơ hội mua nhà của người nghèo, người thu nhập thấp ở thảnh thị”, đại diện doanh nghiệp đang xây nhà xã hội, phản ánh.

“Đừng ngại khi gửi trực tiếp Bộ trưởng”

Ghi nhận ý kiến từ ông Hiệp, ông Đỗ Đức Duy- Thứ trưởng Bộ Xây dựng- cho biết, về Thời gian cấp giấy phép xây dựng như lời doanh nghiệp nêu chúng tôi làm rõ thêm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Duy khẳng định, Nghị quyết 19 của Chỉnh phủ nêu rõ, thời gian từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công công trình, luật hiện nay quy định, thời gian cấp giấy phép xây dựng 30 ngày đối với dự án, 15 ngày đối với nhà riêng lẻ. “Chúng tôi đã đề nghị rút ngăn thời gian này và cũng mở rộng thêm đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng, lồng ghép thủ tục vào nhau để rút ngắn thời gian”, Thứ trưởng Duy nói.

Về vấn đề giá bán nhà ở xã hội, xây dựng giá bán nhà ở xã hội chỉ thực hiện 1 lần, vấn đề này luật đã quy định rõ và không thay đổi.”Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở TNMT, các bộ ngành để thống nhất diện tích 20% phát triển nhà ở xã hội trong các dự án.” Thứ trưởng Đỗ Đức Duy nói. Về gói hỗ trợ cho thị trường BĐS, chính sách đã có rồi, quy chế có rồi nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là gói mới nhưng hiện nay NHNN và Bộ Xây dựng vẫn đang phải cân đối nguồn vốn.

Đánh giá cao những kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, những kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp sẽ được Bộ Xây dựng ghi nhận đầy đủ và sẽ có những hành động cụ thể sửa đổi chính sách cho phù hợp với thực tiễn.Cam kết giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định có những khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp Bộ trưởng. “Doanh nghiệp đừng ngại khi gửi trực tiếp cho Bộ trưởng. Cứ gửi thẳng, Bộ trưởng biết thì chỉ đạo mới nhanh hơn”, Bộ trưởng Hà nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động