Giao dịch mua bán nhà thuộc về ý chí của người dân, không cớ gì bảo bỏ thủ tục công chứng để giao cơ quan nhà nước kiểm tra ý chí ấy.
Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc bỏ thủ tục công chứng trong mua bán, thế chấp, tặng cho, đổi nhà ở với lý do “cải cách thủ tục hành chính” đã nhận được rất nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia, cơ quan có liên quan. Khá nhiều ý kiến cho rằng dưới góc độ thực tế lẫn lý luận, đó là đề xuất “không phù hợp”.
Nhà nước “ôm” việc như mười mấy năm trước
“Đề xuất bỏ thủ tục công chứng là chưa hiểu bản chất của quản lý nhà nước về công chứng, chưa nắm về hệ thống công chứng la-tinh mà Việt Nam đang áp dụng, không phải công chứng hình thức mà là công chứng nội dung” - Trưởng phòng Công chứng số 2, ông Hoàng Xuân Hoan nhận xét. Ông Hoan nói: Việc cho rằng thủ tục công chứng đang trùng lắp với khâu đăng bộ nên bỏ bớt khâu này để giảm phiền hà cho người dân là “sự nhầm lẫn về vai trò, chức năng của các cơ quan thực hiện các khâu này”.
Theo ông Hoan, cơ quan đăng bộ (văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) chỉ kiểm tra hồ sơ đủ thành phần theo thủ tục quy định rồi tiến hành đăng ký vào giấy chứng nhận. Còn ý chí giữa các bên tham gia hợp đồng, nội dung hợp đồng có phù hợp pháp luật hay không thì cơ quan này không làm. Đó là công việc của công chứng. “Nếu bỏ thủ tục công chứng để giao cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm tra thì liệu có phải là cải cách hành chính không? Hay đó là quay lại cảnh mười mấy năm trước: Quản lý nhà nước ôm hết việc dù không cần thiết và sự việc lẽ ra thuộc về ý chí người dân, do Nhà nước ôm nên như mua bán nhà đất phải qua phòng địa chính, phòng quản lý đô thị…?”.
Làm thủ tục mua bán nhà tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD
|
“Nếu nói khâu công chứng và đăng bộ đang chồng lấn và giống nhau nên cần bỏ một khâu thì sao không bỏ thủ tục đăng bộ?” - ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7, đặt vấn đề. Theo ông Thắng, về bản chất, cơ quan đăng bộ được giao nhiệm vụ là cập nhật tên người mua nhà ở và giấy chứng nhận gốc hoặc đổi giấy mới trên cơ sở đã có cơ quan công chứng xem xét và chứng nhận nội dung, tính pháp lý của giao dịch. “Đâu có ai giao cho cơ quan này đi kiểm tra điều kiện, tính pháp lý của căn nhà đó? Công chứng và đăng bộ là hai khâu, hai vai hoàn toàn khác nhau. Cải cách thủ tục hành chính quan trọng nhất là phải dựa vào nguyên lý chứ không phải theo kiểu cắt cái này bỏ cái kia”.
Ai ngăn chặn rủi ro?
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó phòng Công chứng số 1, cho biết thực tế trên thế giới và ở Việt Nam đều cần thủ tục công chứng khi mua bán nhà. Bà giải thích: Khi mua bán tài sản có giá trị rất lớn như bất động sản giữa hai người không quen biết, tất yếu cần có một người làm chứng cho thỏa thuận giữa họ để có cơ sở giải quyết nếu có tranh chấp. Không chỉ thế, công chứng viên còn giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các bên, xác định tư cách các chủ thể có đủ năng lực hành vi dân sự để tham gia giao dịch hay không, có đúng ý chí của họ hay không. “Thủ tục công chứng đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên, ổn định trật tự xã hội, phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tranh chấp phải ra tòa. Ở nước ta, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, số lượng giao dịch bất động sản lớn, nếu mua bán nhà không qua công chứng thì những tình huống lừa đảo sẽ xảy ra rất nhiều” - bà Thuận lưu ý.
Đồng thuận, Trưởng phòng Công chứng số 1, ông Nguyễn Quang Thắng nói thêm: Công chứng viên có vai trò là những “thẩm phán phòng ngừa”, công việc của họ giúp giảm thiểu rủi ro, phức tạp không đáng có cho các bên giao dịch và Nhà nước. Hợp đồng công chứng là căn cứ pháp lý để tòa án tuyên khi có tranh chấp. Chính vì quan trọng như thế nên Điều 6 Luật Công chứng đã xác định: Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu. Vậy thì làm sao lại bỏ qua thủ tục này?”.
Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:
Phải tính đến việc phòng ngừa tội phạm
Thọat nhìn, phương án của Bộ Xây dựng có thể tạo cảm giác giảm thiểu thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ, phương án trên sẽ có một số điểm bất cập như sau:
Bản chất của hành vi công chứng là việc công chứng viên xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch bằng văn bản, bao gồm các việc kiểm tra và chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng giao dịch là có thật, chữ ký trong hợp đồng giao dịch là đúng.
Trong khi đó, theo quy định thì cơ quan cấp giấy có chức năng thực hiện đăng ký sử dụng đất, biến động về sử dụng đất và đăng ký giao dịch bảo đảm. Trên thực tế, tuy các cơ quan cấp giấy có kiểm tra hồ sơ nhưng họ không kiểm tra và không thể kiểm tra các yếu tố khác của giao dịch như người giao dịch có đúng là người có tên trên giấy, có đủ năng lực hành vi dân sự, có tự nguyện tham gia giao dịch... hay không.
Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm có liên quan đến làm giả giấy tờ, tài liệu về quyền sở hữu nhà, giả người để thực hiện công chứng... có dấu hiệu tăng. Hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp. Qua hoạt động nghiệp vụ của mình, cơ quan công chứng đã nhiều lần phát hiện, giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời các đối tượng phạm tội.
Do vậy theo tôi, đồng thời với việc cải cách thủ tục hành chính thì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong các giao dịch, giảm thiểu rủi ro, tranh chấp, giảm áp lực cho cơ quan tòa án, thông qua đó giúp bảo đảm trật tự, an toàn pháp lý cho toàn xã hội là vô cùng quan trọng.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP