Bộ, ngành không muốn trả ‘trụ sở vàng’

Cập nhật 30/12/2016 09:18

Nghịch lý diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội khi nhiều bộ, ngành chần chừ di dời, hoặc xây trụ sở mới nhưng vẫn cố thủ giữ trụ sở cũ trong nội đô.

Trụ sở mới của Bộ TN-MT đã đi vào hoạt động nhưng Bộ này vẫn giữ trụ sở cũ tại Nguyễn Chí ThanhẢnh: Ngọc Thắng

Trong khi những mảnh đất vàng hiếm hoi thu hồi được từ các nhà máy di dời lại đang mọc lên hàng loạt chung cư cao tầng, gây áp lực lớn lên hạ tầng, ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Di dời nhưng vẫn “ôm” trụ sở cũ

UBND TP.Hà Nội vừa có báo cáo cho thấy, việc thực hiện di dời cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra khỏi vùng lõi TP chưa hiệu quả. Có 9 cơ quan được bố trí đất để chuyển trụ sở gồm bộ Công an, Ngoại giao, Nội vụ, TN-MT, KH-CN, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc. Nhưng 7 đơn vị trong số đó tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cơ quan T.Ư quản lý. Cụ thể, Bộ Nội vụ đã chuyển về trụ sở mới tại phố Tôn Thất Thuyết (Q.Cầu Giấy), nhưng vẫn giữ trụ sở cũ tại 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Hai Bà Trưng) là trụ sở các đơn vị và trường đào tạo cán bộ thuộc bộ này. Bộ TN-MT cũng xây trụ sở mới tại phố Tôn Thất Thuyết nhưng vẫn sử dụng trụ sở cũ tại 83 Nguyễn Chí Thanh. Bộ KH-CN xây trụ sở mới tại 113 Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy) nhưng một số đơn vị thuộc bộ này vẫn đang sử dụng trụ sở cũ tại 39 Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm)... Ngoài ra, 2 cơ sở được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê là Viện KSND tối cao tại 42 Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm) và khu đất của Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn (Q.Ba Đình).

Báo cáo tại HĐND TP mới đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng cho biết, có 8 cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời, trong đó 2 cơ sở đã đi vào sử dụng là Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết T.Ư, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ. TP đã bố trí quỹ đất khu các trường đại học tập trung tại Hòa Lạc (quy mô 279,5 ha), nhưng đến nay mới có 1 trường được giới thiệu di dời đến khu vực này (khoa luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), đang thực hiện di dời 1 trường (Đại học Y tế công cộng).

Lý giải việc vẫn sử dụng trụ sở cũ, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện bộ này vẫn đang quản lý, sử dụng khu đất 83 Nguyễn Chí Thanh làm trụ sở cho nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Theo ông Hà, tính theo quy định về tiêu chuẩn nơi làm việc cứ 1 người được 5 m2 thì ngay trụ sở chính của Bộ TN-MT mới được xây dựng đã quá tải khoảng 40%. “Bộ TN-MT có 8 lĩnh vực quản lý: đất đai, môi trường, khoáng sản..., với hơn 10.000 cán bộ, nhân viên. Trong khi đó, trụ sở tại số 10 Tôn Thất Thuyết được quy hoạch xây dựng cho khoảng 800 người thì nay đã có hơn 1.200 người được bố trí làm việc tại đây. Bộ TN-MT còn rất nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp nằm rải rác khắp nơi. Trong đó, trụ sở ở 83 Nguyễn Chí Thanh là nơi làm việc của lượng cán bộ, nhân viên rất lớn”, ông Hà cho biết.

Rà soát lại trách nhiệm quy hoạch

Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, khu vực nội đô lịch sử (giới hạn từ phía nam sông Hồng đến vành đai 2) sẽ di dời các cơ sở sản xuất, đào tạo, y tế ra ngoài, hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống còn khoảng 0,8 triệu người. Đất trụ sở các bộ ngành, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất sẽ được sử dụng cho mục đích công cộng như xây dựng nhà trẻ, trường mầm non, công viên cây xanh, bãi đỗ xe…

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, đa số các mục tiêu này đều chưa được thực hiện hiệu quả. Trên thực tế, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất được di dời khỏi nội đô, nhưng thay vì sử dụng cho mục đích công cộng thì đã cài cắm ngay chung cư, cao ốc. Đơn cử như Nhà máy bánh kẹo Tràng An di dời, ngay lập tức mọc lên Tràng An Comples, di dời Nhà máy dệt Minh Khai (Q.Hoàng Mai) thì mọc ngay dự án tổ hợp chung cư Imperia Sky Garden, hay di dời Nhà máy dệt Mùa Đông (Q.Thanh Xuân) cũng ngay lập tức có dự án chung cư cao cấp 47 Nguyễn Tuân vào trám chỗ… Việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng cao ốc, chung cư đang và sẽ tạo ra áp lực lớn hơn về mật độ dân số lên hạ tầng và giao thông so với trước đây.

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, cho rằng việc gia tăng chung cư trong khu trung tâm đã gây áp lực lên hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, việc ùn tắc còn nhiều nguyên nhân khác như gia tăng xe máy, ô tô nhanh trong khi tốc độ quỹ đường không phát triển kịp. Cũng theo lãnh đạo Sở QH-KT, việc chuyển đổi đất vốn là các cơ sở công nghiệp, nhà máy thành nhà chung cư phần lớn phải có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền như Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.Hà Nội theo quy hoạch được duyệt từ trước.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, quy hoạch chung của TP.Hà Nội đã được duyệt, bên cạnh đó còn có luật Thủ đô... đều nêu rõ tinh thần hạn chế chất tải vào trung tâm TP. Tuy nhiên, việc bảo vệ quy hoạch chung .Hà Nội thời gian qua không chặt chẽ, việc điều chỉnh quá dễ dàng. “Tôi cho rằng, cần phải có cuộc thanh tra toàn diện về việc điều chỉnh quy hoạch Hà Nội thời gian qua. Làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức về việc duyệt cho thay đổi quy hoạch, nhất là các điểm xây chung cư cao tầng trước đây không có trong quy hoạch gốc. Đối với những dự án đã được phê duyệt, chưa triển khai, cần xem xét lại, nếu thực sự hợp lý thì cho làm tiếp. Còn ở những nơi mật độ dân số đã cao, phải xem xét điều chỉnh số tầng xuống, thậm chí hủy luôn dự án để giảm tải đô thị”, ông Tùng chia sẻ.

“Chính phủ sẽ phải có giám sát hậu di dời, tuyệt đối không được cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây chung cư, đi ngược lại với mục đích ban đầu đặt ra khi di dời trụ sở”, kiến trúc sư Tùng đề nghị.

Chấm dứt di dời nhà máy để xây nhà cao tầng

Kết luận hội nghị của Chính phủ ngày 29.12, câu chuyện ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn do quản lý quy hoạch yếu kém tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại dù một ngày trước đó Thủ tướng cũng đã đề cập.

Thủ tướng nói: Có điều rất lạ là tất cả các cơ sở di dời ra khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao, nhiều khu chung cư cao 40 - 50 tầng dày đặc, gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Do vậy, yêu cầu các TP lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM cần nghiêm túc chấn chỉnh kịp thời.

Dẫn ví dụ về khu Giảng Võ ở trung tâm Q.Ba Đình, Thủ tướng nói rằng việc cấp phép để mọc lên các tòa chung cư 40 - 50 tầng với hơn 2.600 căn hộ, mà mỗi hộ nhà giàu lại có 2 chiếc ô tô thì không có đường sá nào chịu nổi và không có lý thuyết quy hoạch nào lại như thế.
“Phải rà soát lại trước khi quá muộn. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách nhà nước không đủ tiền đổ vào giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng để chống ùn tắc giao thông”, Thủ tướng yêu cầu đồng thời nhắc nhở lãnh đạo các TP không vì lợi ích trước mắt, lợi ích nhóm mà quên lợi ích cộng đồng bởi từng gia đình, trẻ em cũng đang rất cần những công viên, công trình công cộng.



DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên