Bộ mặt đô thị: Trăm hoa đua nở và... xấu đều

Cập nhật 28/08/2007 15:00

Cách đây không lâu, KTS Nguyễn Ngọc Dũng đã “thừa nhận” với nhà báo Đỗ Trung Quân một “hoàn cảnh”: “đô thị ta có ưu điểm là… xấu đều”. Thực ra, cách “nói phóng đại” ấy đang diễn tả một thực trạng mà dự thảo “Quy định quản lý kiến trúc đô thị” gọi là công tác kiến trúc đang “bộc lộ nhiều bất cập và thiếu sót”.

Nhiều cái đẹp cộng lại thành… không đẹp!

KTS Nguyễn Trường Lưu nói: “Tôi thừa nhận thực trạng hiện tại là mỹ quan đô thị chưa đẹp, còn thiếu thẩm mỹ, lố nhố”. Anh kể thêm rằng, có người bạn Pháp đã nói với anh rằng, xét về kiến trúc nhà phố, giới kiến trúc Việt Nam là bậc thầy trong việc tìm tòi thể hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thực trạng là hai cái đẹp đứng cạnh nhau lại thành cái không đẹp.

PGS - TS - KTS Nguyễn Khởi nhận định về nguyên nhân của tình trạng này: “Tôi cho rằng, trong việc cấp phép xây dựng hiện nay, chúng ta đã có những quy chuẩn kỹ thuật, còn việc quản lý thẩm mỹ thì đang bị buông lỏng. Theo tôi, muốn đảm bảo thẩm mỹ đô thị, dứt khoát phải quản lý. Còn quản lý như thế nào, việc đầu tiên là phải có thiết kế đô thị”.



Độ phản quang kính của
mặt tiền ngôi nhà này có
quá 70% như dự thảo quản
lý kiến trúc quy định?

Những yếu tố kiến trúc liên quan đến thẩm mỹ chính là màu sắc, vật liệu, hình khối, kết cấu... Những chi tiết này minh hoạ cho bức tranh “trăm hoa đua nở” trên đường phố. Ở đó, không chỉ có “những cái đẹp cộng lại thành không đẹp” mà còn có cả những cái xấu và sai. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ về sự bất cập của các yếu tố này hiện rõ trên phố phường.

“Tôi có cảm giác là màu sắc công trình hiện nay, đặc biệt là ở những khu dân cư dạng phân lô, không chỉ biến thành phố trở thành một sân khấu cải lương lớn, mà thậm chí còn gây một tâm lý dễ nóng giận cho những người điều khiển phương tiện giao thông trên đường”, KTS Việt Phú ngán ngẩm nhận xét sau khi liệt kê những công trình dùng gam màu nóng “chình ình” giữa phố.

Còn nhận xét về việc dùng kính màu làm mặt tiền, KTS Quốc Hưng - công ty Cảnh Quan phát biểu: “Phong trào dùng kính trang trí có tráng thuỷ ở mặt tiền nhà rộ lên vào khoảng 8 năm nay. Sự xuất hiện của “trào lưu” này dẫn đến bức xúc, thậm chí kiện tụng nhau do bị hắt nắng, song do chưa có quy định tiêu chuẩn nào về loại kính này nên cuối cùng sự bức xúc đó đành chìm vào quên lãng”.

Thực trạng này đặt ra vấn đề cần quản lý kiến trúc đô thị. KTS Lưu Trọng Hải nêu ý kiến: “TP.HCM đã có những cơ hội để chỉnh trang đô thị, như việc mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mở đại lộ Đông - Tây. Song chúng ta đã không nắm bắt được những cơ hội đó do công tác chỉ đạo của TP không theo kịp yêu cầu. Lẽ ra khi có chủ trương tu sửa một con đường, con kênh, các nhà quản lý chuyên môn sớm xây dựng thiết kế đô thị và đề xuất lãnh đạo ban hành chính sách để thực hiện thiết kế đó. Đối với những công trình đã trót không tận dụng được cơ hội, vẫn cần có thiết kế đô thị để người dân, nhà đầu tư tự nhận thức được yêu cầu về diện mạo nơi mình sinh sống, để góp phần vào việc chỉnh trang”.

Cần một chuẩn mực



Đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi có quy chế quản lý về kiến trúc.


Hiện nay, tại TP.HCM đã có quy định bước đầu về quản lý kiến trúc và các cuộc họp của giới chuyên môn đã dự thảo quy định có 5 chương này đến lần thứ 4. Có thể đó là bước đi đầu tiên chứng tỏ rằng thẩm mỹ đô thị bước đầu đã được chú ý.



Mặt kính phản quang chiếm tỷ lệ lớn
của mặt tiền toà nhà. Tỷ lệ này có
cần được quy định?

Điều 23 của dự thảo ghi rõ: “Mặt ngoài nhà (mặt tiền, mặt bên) không sử dụng các màu nóng (như đỏ, đen) màu chói (như vàng, cam) trên toàn bộ mặt tiền nhà; không sử dụng gạch lát màu tối, có độ bóng cao để phủ trên toàn bộ mặt tiền nhà; không sử dụng vật liệu có độ phản quang quá 70% trong toàn bộ mặt tiền nhà”.

Mục tiêu và phạm vi áp dụng của quy định được nêu trong dự thảo là “quy định này thực thi như một công cụ để quản lý kiến trúc đô thị tại những khu vực chia lô hiện hữu chưa có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch chi tiết hiện có chưa cung cấp đầy đủ thông tin quản lý kiến trúc công trình đơn lẻ”.

Nếu dự thảo này được áp dụng trong quy trình cấp phép xây dựng, chắc chắn nhiều ngôi nhà trong thành phố phải... đổi màu sơn, giảm thiểu hoặc thay đổi việc dùng kính.

Thực ra, việc này cũng không có gì mới. Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã quan tâm đến điều này từ khi hình thành. KT&ĐS tham khảo một hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng với một cá nhân lập từ tháng 3.2001, có một chương là “Quy định cụ thể thiết kế kiến trúc”. Trong chương này, bên cạnh quy định về khoảng lùi, độ cao, vạt góc... còn có những phần quy định liên quan đến hoàn thiện công trình.



Những ngôi nhà nổi bật vì màu
sơn và kính.

Chẳng hạn, “Quy định hướng dẫn sơn màu hoàn thiện” nêu rõ: “Sơn màu hoàn thiện ngoại thất của tất cả các căn hộ phải sử dụng màu sáng, các chi tiết công trình thi công được sử dụng thêm một số màu hơi tối hơn để tạo ra sự hài hoà giữa các tông màu, có sự tương phản nhẹ nhàng.

Tông màu ngoại thất kết hợp hài hoà giữa 10 màu sáng cùng với 7 màu tối hơn. Màu tía (purple - nguyên văn của văn bản) không được sử dụng để trang trí xây dựng tại khu Nam Sài Gòn. Nếu chủ hộ nào cứ quyết muốn dùng màu tía này thì phải có giấy phép đặc biệt của công ty Phú Mỹ Hưng...”.

Quy định hướng dẫn vật liệu xây dựng thì ghi: “Cửa đi, cửa sổ phải dùng kính trong suốt và kính mờ. Cửa cho các cửa hàng của dãy nhà phố phải dùng kính trong suốt để tạo nên cảm giác sôi động dọc hè phố. Không được sử dụng kính có màu xanh da trời và màu nâu”.

Mục đích của quy định điều kiện quản lý tại Phú Mỹ Hưng nhằm: “Tạo ra nét đặc trưng cho từng khu phố nhưng vẫn hài hoà với tổng thể những khu lân cận; không gian mở và cảnh quan thích hợp; tối đa hoá giá trị cho những căn nhà ở vị trí mặt tiền phố... Hạn chế sự phát triển tự phát về khối và kích thước công trình”.



Màu sơn và tỷ lệ như thế này có
thích hợp?

Những quy định này nằm trong điều khoản thi hành: người chuyển nhượng đất trong khu được gọi là bên B. Bên B phải ký vào hợp đồng có phụ lục với điều khoản: “Bên B phải tuân thủ và tôn trọng tất cả điều khoản và điều kiện trong hợp đồng này”.

KTS Nguyễn Trường Lưu, một trong những người tham gia bàn bạc về dự thảo quy định quản lý của thành phố, phát biểu: “Việc quản lý là cần thiết, song tôi cũng lưu ý rằng, nếu quản lý kiểu nào đó dẫn đến đồng bộ một cách cứng nhắc thì sẽ tạo bộ mặt phố phường rập khuôn một cách nhàm chán, không sinh động.

Một ví dụ có thể thấy rõ là từ sau Nghị định 181 không cho bán đất lẻ phân lô, nhiều nhà đầu tư phải xây nhà đồng loạt để bán. Và giảm sự đơn điệu, nhàm chán trong kiến trúc là một bài toán mà không phải doanh nghiệp nào cũng giải được”.



Những ngôi nhà nổi bật vì màu sơn và kính.



Những khu dân cư mới được xây dựng đồng bộ về chiều cao, kích thước, hình khối.




Dãy phố trên đường Lê Hồng Phong, Hai Bà Trưng là nơi “hội tụ”
nhiều kiểu dáng, phong cách, màu sắc.


Ngày thứ ba 24.7, UBND TP.HCM đã chỉ đạo: “Riêng việc ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho các đô thị trên địa bàn phải thực hiện xong trong tháng bảy này”. Tuy nhiên, đến nay văn bản này vẫn chưa được ban hành.


>> Màu sắc vẫn theo sở thích là chính

Theo Sài Gòn Giải Phóng