Trao đổi với kiến trúc sư Võ Thành Lâm
* Theo ông, thiết kế đô thị có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo cảnh quan đô thị?
Kiến trúc sư Võ Thành Lân - Ảnh: P.P.H. |
Đây là vấn đề thuộc về tổ chức không gian, mà không gian đẻ ra bộ mặt đô thị nên phải tính đến lợi ích chung. Chẳng hạn khi xây dựng các công trình dọc đại lộ Đông - Tây, sát bờ sông phải xây thưa, mật độ thấp, càng vào sâu bên trong càng cao dần để nhiều người cùng được hưởng không gian, cảnh quan này. Còn thực tế nhiều nơi công trình giáp các bờ sông đã bị “bán” tầng cao hết rồi nên chủ đầu tư xây dựng thật cao để tận dụng mặt bằng, tận dụng không gian, che giấu những công trình lôm nhôm bên trong. Chắn mặt tiền như vậy chỉ được một số người hưởng thay vì nhiều người cùng hưởng.
Ở các đường giao thông chính, trục đường cao tốc cũng vậy, không thể chấp nhận nhà cửa xây dựng sát ra mặt đường mà phải có một khoảng lùi an toàn. Có thể tạm chia ra hai loại đường: đường thuần túy về giao thông (chỉ dành riêng cho lưu thông, cách ly với nhà ở) và đường nhỏ hơn dành để ở, buôn bán và chức năng chính là giao tiếp. Nhưng TP.HCM vẫn lẫn lộn giữa đường giao thông và đường giao tiếp vì đường nào cũng có xe chạy, có buôn bán.
* Như vậy nếu xử lý không khéo, bộ mặt đô thị sẽ ngày càng thêm rối?
Rõ ràng bộ mặt đô thị ngày càng xấu hơn, điều này tạo áp lực lên cảnh quan của khu vực. Khi cảnh quan bị các công trình “đè” lên như vậy thì không thể nói các công trình tạo ra cảnh quan. Những nhà cao tầng trong thành phố đang và sẽ mọc lên về bản chất vẫn là những công trình xây chen, giành gió lấn nắng, không khác gì quần thể các ngôi nhà xây dựng trong các con hẻm.
* TP.HCM có những khu vực nào được xem là “chuẩn” trong thiết kế cảnh quan, không gian đô thị?
Sài Gòn xưa quy hoạch từng con đường với mỗi kiểu không gian khác nhau: đường dành cho ngành tài chính ngân hàng, cao ốc; đường dành cho các cơ quan ngoại giao, cơ quan hành chính; đường quy hoạch để làm thương mại, buôn bán… Nhưng bây giờ không ít trường hợp người ta quy hoạch đường (ngoài chức năng giao thông) là để bán đất, tranh nhau chen ra mặt tiền, xây nhà càng cao càng tốt. Đặc điểm nhà của người Việt hiện nay là sống đa hướng, nhà đa dụng, vừa ở vừa cho thuê để buôn bán… Vì đa hướng nên phải ra mặt tiền.
* Thật ra gần đây TP.HCM cũng quan tâm và chỉ đạo thiết kế đô thị ở một số tuyến đường như đại lộ Đông - Tây, Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - vành đai ngoài…?
Như tôi đã nói không thể giải quyết thiết kế đô thị bằng một số tuyến đường vì những con đường chỉ là một trong những yếu tố tạo nên không gian khu vực.
* TP.HCM chưa có nhiều khu vực được thiết kế đô thị do cơ quan chức năng chưa quan tâm hay do bất lực trước thực trạng “đường mở đến đâu nhà mọc đến đó”?
Ban đầu có thể cơ quan chức năng không quan tâm đến thiết kế không gian đô thị. Có lúc công việc quy hoạch chủ yếu là phóng đường và phân lô để tạo quỹ đất, nhưng đến khi sự việc quá sức giải quyết thì bất lực. Nếu chỉ làm thiết kế cảnh quan đô thị ở một hoặc vài con đường cũng không có ý nghĩa gì, chỉ như muối bỏ biển, không giải quyết được vấn đề gì.
* Vậy theo ông, để làm thiết kế đô thị nên bắt đầu từ đâu?
Phải có ba anh tham gia trong chuyện này. Thứ nhất là người thiết kế, quy hoạch vùng, tính chuyện sử dụng đất sao cho hợp lý, mật độ xây dựng trên địa bàn quy hoạch phân bổ ra sao và cơ cấu, năng lực của hạ tầng đô thị được nghiên cứu thận trọng, đáp ứng sự vận hành của đô thị trên mặt đất cũng như dưới lòng đất. Thứ hai là các kiến trúc sư thiết kế công trình nghiên cứu hình thái kiến trúc sao cho phù hợp nhu cầu sử dụng, bộ mặt kiến trúc phù hợp điều kiện khí hậu và tạo nên một sắc thái riêng mang tính văn hóa địa phương trong bối cảnh chung của công cuộc hội nhập. Thứ ba là các nhà thiết kế cảnh quan đô thị, là bộ phận kết nối giữa công trình và quy hoạch chung, kết nối giữa công trình xây dựng và các công trình phúc lợi đô thị, gắn với hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan và môi trường đô thị bền vững, lâu dài.
* Vậy để giải quyết bài toán thiết kế đô thị sẽ phải mất khá nhiều thời gian?
Nếu bài toán lớn là thiết kế đô thị cho cả TP.HCM chưa thể làm được, phải chờ những giải pháp quy hoạch quy mô địa bàn lớn, thì ở các khu vực cũ cần phải có biện pháp giải quyết thu vén theo những điều kiện đặc thù tại chỗ, hạn chế tối đa việc lấn chiếm đất công cộng. Nên bắt đầu từ những chuyện như vậy.
>>“Nghệ thuật kỳ dị”
>>Vừa làm vừa nghiên cứu
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO